Thẩm định dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

10/07/2023
Thẩm định dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Sáng ngày 7/7, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì cuộc họp thẩm định dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo có Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng; đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an - đồng chủ trì soạn thảo dự án Luật. Tham dự cuộc họp có đại diện Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Vụ Quốc phòng và An ninh - Quốc hội, Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ cùng đại diện các Bộ, ngành có liên quan và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại cuộc họp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo trình bày Tờ trình dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, CNAN, ĐVCN), bao gồm: sự cần thiết ban hành Luật; mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật; quá trình xây dựng dự án Luật; bố cục và nội dung cơ bản của dự án Luật. Theo đó, Nội dung Luật CNQP, AN và ĐVCN tập trung vào 05 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, gồm: Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, CNAN; hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN; thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển CNQP, CNAN; huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, CNAN; bảo đảm hiệu quả hoạt động ĐVCN.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị thẩm định và trình bày của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đồng ý cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật CNQP, AN và ĐVCN nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực CNQP, CNAN, ĐVCN và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai pháp luật liên quan.
 

 
Tại cuộc họp, ý kiến thẩm định của đại diện các Bộ, ngành tập trung vào các nội dung như: giải thích các thuật ngữ mới “công nghiệp nền”, “công nghiệp lõi”, “tổng công trình sư”…; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng; nghiên cứu xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng; các cơ chế, chính sách để bảo đảm nguồn lực phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quốc phòng, an ninh; về huy động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và cơ chế, chính sách cho các đối tượng này… Đồng thời, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng nội dung uỷ quyền lập pháp tại dự thảo phù hợp, cụ thể, đảm bảo tính khả thi.
Tổng hợp các ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định việc thu hút, có chính sách đặc thù cho quốc phòng, an ninh luôn được nhiều quốc gia quan tâm thực hiện. Ở nước ta, CNQP, AN và ĐVCN luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển, thể hiện qua nhiều chủ trương tại các văn kiện, Nghị quyết của Đảng và các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ. Do đó, Thứ trưởng nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng Luật CNQP, AN và ĐVCN. Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định, tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần phối hợp với Bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện các quy định về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh có liên quan đến các luật chuyên ngành.
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính