Thực hiện Kế hoạch số 770/QĐ-BTP ngày 22/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ngày 21/6/2023, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thủ đô về quản lý, khai thác tài sản công; quy định tiêu chuẩn, định mức chi, định mức kinh tế - kỹ thuật”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo; một số ban của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội; sở, ngành của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội; một số đơn vị sự nghiệp công lập của Thành phố (Trường THPT Hà Nội - Amsterdam; THCS Cầu Giấy, THCS Chu Văn An; Ban quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Ban quản lý công trình xây dựng...) và một số chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan.
Đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp
Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã trình bày những nội dung cơ bản của dự thảo Luật liên quan đến cơ chế tài chính, ngân sách và đầu tư, cụ thể gồm: các quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; các quy định về ưu đãi thuế; quy định về cơ chế quản lý khai thác tài sản công; quy định về phân quyền cho Thành phố được ban hành về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi ngân sách, ban hành tiêu chuẩn, định mức KTKT, đơn giá, suất đầu tư đặc thù trong một số lĩnh vực; quy định về thu hút đầu tư.
Theo đó, dự thảo Luật đã quy định về huy động, sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô trên cơ sở kế thừa, sửa đổi Điều 21 Luật Thủ đô 2012; Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định về việc phân quyền cho Thành phố trong việc quyết định chủ trương đầu tư; cho phép Thành phố áp dụng các hình thức đầu tư như: mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong cả văn hóa, thể thao; áp dụng hình thức BT và được sử dụng vốn ngân sách Thành phố để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT; tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể; quyết định mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm đầu tư của dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng tại quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể. Thành phố cũng được phân quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức chế độ chi ngân sách, ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, suất đầu tư đặc thù trong một số lĩnh vực: quy định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn quy định của Trung ương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Thành phố Hà Nội mà ngân sách trung ương không hỗ trợ; được chuyển đổi mô hình quản lý đầu tư, quản lý dự án theo kết quả, hiệu quả dự án thay vì quản lý chi phí như đơn giá, khối lượng đầu vào; quyết định lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc tế; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực, phương thức thanh toán ngoài các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô
Về cơ chế quản lý khai thác tài sản công, Thành phố được thực hiện phương thức quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý (O&M) đối với một số công trình trọng điểm do Thành phố quản lý và được áp dụng phương thức xây dựng, chuyển giao, thuê dịch vụ (BTL) hoặc xây dựng thuê dịch vụ chuyển giao (BLT) đối với các công trình do tư nhân xây dựng, sở hữu và Thành phố Hà Nội có nhu cầu sử dụng cho các mục đích công cộng; việc sử dụng, quản lý, khai thác tài sản công của cơ sở văn hóa, thể thao, cơ sở giáo dục công lập thuộc thành phố Hà Nội khi thực hiện liên kết với tổ chức, cá nhân để cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất về sự cần thiết phải có các quy định về chính sách đặc thù về tài chính, đầu tư nhằm huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô; các chính sách này có thể khác với các luật hiện hành hoặc chưa được luật hiện hành quy định, nhưng phải bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Đồng thời, các đại biểu có ý kiến thảo luận, góp ý đối với một số quy định cụ thể của dự thảo Luật trên cơ sở đánh giá thực trạng của Thủ đô. Theo đó, các đại biểu đã đánh giá tính khả thi của các quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư vào văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhà đầu tư chiến lược; quy định việc thành lập các quỹ: Quỹ Bảo vệ di sản và phát triển văn hóa Thủ đô, Quỹ Học bổng dành cho học sinh tài năng của Thủ đô, Quỹ Bảo tồn, tái thiết khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô; quy định về thành lập Công ty đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh doanh vốn Nhà nước và quản lý khai thác tài sản thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước; quy định cơ chế về quản lý, khai thác tài sản công; cho phép Thành phố chủ động quyết định về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi ngân sách, ban hành tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, suất đầu tư đặc thù trong một số lĩnh vực; cơ chế thu hút đầu tư xã hội và cơ chế thực hiện đầu tư….
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội thảo.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là nhiệm vụ quan trọng được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó cơ chế, chính sách về tài chính và đầu tư sẽ là động lực, đòn bẩy nhằm xây dựng, quản lý, phát triển Thủ đô. Đánh giá cao ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị Tổ thường trực nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý tại Hội thảo để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), sớm báo cáo Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật để trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội đảm bảo thời hạn theo quy định, cụ thể, theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày của Quốc hội, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (dự kiến tháng 10/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (dự kiến tháng 5/2024).
Anh Thư - Trung tâm Thông tin