Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 11/5, đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Lê Thành Long làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy, ông Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đại biểu là lãnh đạo sở, ngành địa phương.
Theo sát công tác tư pháp
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận với đoàn công tác Bộ Tư pháp, hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch về nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan tư pháp tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tư pháp và cải cách tư pháp. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác tư pháp.
Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh vẫn duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt quý, 6 tháng, 9 tháng, năm theo quy định; quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan tư pháp, các chức danh lãnh đạo các sở, ngành liên quan; nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp (thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên…)
Tỉnh ủy Bình Thuận đánh giá cao những công tác tư pháp cũng như THADS, điều đó thể hiện qua sự phối hợp chặt chẽ của Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận với các sở, ngành địa phương để giải quyết kịp thời các công việc được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Đồng thời bám sát tình hình cơ sở, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác tư pháp tại địa phương. Thời gian qua Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp, biện pháp trong quản lý nhà nước, trọng tâm là định kỳ hàng năm thường xuyên thanh tra, kiểm tra các hoạt động bổ trợ tư pháp, củng cố phát triển đội ngũ luật sư, công chức, thừa phát lại, giám định tư pháp, đấu giá…
Đồng chí Dương Văn An – Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận
Về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã và đang được Tỉnh ủy Bình Thuận quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; ngành tư pháp đặc biệt coi trọng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực.
Qua công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, từ đầu năm 2022 đến nay, 100% văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh ban hành và 100% văn bản do UBND cấp huyện gửi đến đã thực hiện tự kiểm tra, kiểm tra. Kết quả cho thấy các văn bản đều được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, không có văn bản nào phải kiến nghị xử lý.
Đối với công tác thi hành án dân sự, năm 2022 về tiền tuy tăng so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu của Tổng cục Thi hành án dân sự giao (còn thiếu 3,74%); số tiền chuyển kỳ sau tăng 144 tỷ đồng (tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021). Kết quả THADS 06 tháng đầu năm 2023 về tiền đạt tỷ lệ thấp và giảm trong khi đó số tiền chuyển kỳ sau tăng so với cùng kỳ.
Ngoài ra, nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác THADS như chưa bàn giao được tài sản bán đấu giá cho người mua, án về đất đai, nhà ở, dự án, tàu cá còn phức tạp, kéo dài, nhiều bản án hành chính chưa thi hành xong, chuyển sang theo dõi ở kỳ sau nhiều, chậm trễ trong công tác kiện toàn công chức, lãnh đạo quản lý tại các đơn vị THADS, vẫn còn tồn tại một số đơn vị thiếu kỷ cương, kỷ luật thậm chí có công chức bị xem xét trách nhiệm hình sự...
Bên cạnh đó, hiện nay khối lượng công việc nhiều, tính chất càng ngày càng phức tạp trong khi thiếu biên chế. Đáng kể đến là một số việc phải thi hành án với số tiền lớn nhưng khi tổ chức thi hành gặp nhiều vướng mắc do liên quan đến việc kê biên, xử lý tài sản dự án đầu tư của doanh nghiệp trong khi đó thiếu sự phối hợp hoặc phối hợp chưa tới của các cơ quan liên quan điển hình như vụ Công ty TNHH Suối Cát phải thi hành án hơn 405 tỷ; Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thế Giới Xanh 235 tỷ; Công ty TNHH Trường mầm non và tiểu học Thanh Nguyên phải thi hành án 80 tỷ, Công ty TNHH Khoáng sản Bentonite Minh Hà phải thi hành án 73 tỷ,....
Ngoài ra, một số vụ việc thời gian thi hành án hành chính của người phải thi hành án là UBND hoặc chủ tịch UBND các cấp kéo dài, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Từ đó kéo theo tình trạng khiếu kiện, khiếu nại tố cáo lên các cơ quan chức năng ở Trung ương.
Cân nhắc xây dựng pháp chế tại các sở, ngành
Phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định, trong bối cảnh người ít việc nhiều như hiện nay, hoạt động của tư pháp Bình Thuận hết sức cố gắng, về cơ bản bao quát được các mặt trong lĩnh vực tư pháp. Đặc biệt là Sở Tư pháp đã cố gắng bám sát chương trình công tác của địa phương và Bộ - một điển hình đáng biểu dương.
Bộ trưởng nhìn nhận, qua công tác tư pháp cho thấy, đã có sự chỉ đạo, lãnh đạo, chia sẻ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với hoạt động tư pháp và THA tại Bình Thuận. Bộ trưởng cũng mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị Bình Thuận cân nhắc và xây dựng bộ phận pháp chế tại các sở ngành trong tỉnh. Nhất là trong điều kiện đòi hỏi tính tuân thủ pháp luật ngày càng phải nâng cao. Xây dựng bộ phận pháp chế cũng sẽ giảm bớt gánh nặng hiện nay cho Sở Tư pháp.
Đáp từ lời phát biểu của Bộ trưởng Lê Thành Long, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cảm ơn đoàn công tác đã làm việc với Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, Sở Tư pháp, Cục THADS Bình Thuận. Bí thư Dương Văn An tiếp thu những ý kiến của đoàn công tác Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác tư pháp, thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, đồng thời luôn quan tâm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ngành tư pháp. Tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo đối với công tác tư pháp để giải quyết dứt điểm những tồn tại trước đây.
Nhóm PV Đông Nam Bộ