Ngày 15/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì phiên họp thẩm định dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Phát huy giá trị, tiện ích thẻ CCCD
Theo báo cáo tại buổi làm việc, Luật Căn cước công dân (CCCD) được Quốc hội khoá XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp quản lý CCCD được xây dựng, hoàn thiện, đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động, quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, bỏ sổ hộ khẩu giấy, xác lập danh tính điện tử của công dân thông qua mã số định danh cá nhân, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, người dân có thể thực hiện các giao dịch, các thủ tục hành chính ở bất cứ nơi nào, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Bộ Công an đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống. Đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia, tiến hành cấp được gần 80 triệu thẻ CCCD cho người đủ điều kiện cấp thẻ.
Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động như: Kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, văn phòng Chính phủ để xác thực số định danh cá nhân, CCCD, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân; kết nối với Bộ Tư pháp để thực hiện cấp, huỷ số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh; kết nối với Bộ Y tế để phục vụ rà soát thông tin tiêm chủng của công dân, phòng chống dịch Covid-19; kết nối, xác thực với Ban cơ yếu Chính phủ phục vụ rà soát thông tin cán bộ Cơ yếu; kết nối với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính để xác thực thông tin công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân phục vụ làm sạch dữ liệu ngành thuế, thuế nghiệp vụ ngành thuế; thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực thông tin công dân tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân thông qua trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đề án số 06 cũng đã xác định các nhiệm vụ chính liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ CCCD. Bên cạnh đó, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu chất lượng thông suốt giữa các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật để hỗ trợ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã xác định nhiệm vụ nâng cao việc ứng dụng cơ sở dữ liệu, phát huy giá trị của thẻ căn cước công dân vào các hoạt động quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia theo Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật CCCD năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta là rất cần thiết.
Cần giải quyết các vấn đề phát sinh khi tích hợp thông tin
Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) gồm 07 chương, 46 Điều. Theo đó, dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật CCCD năm 2014, ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật này còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Về người được cấp thẻ CCCD, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Xuân, Uỷ ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội chia sẻ băn khoăn về việc cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi có phát sinh thủ tục hành chính, các chi phí thực hiện hay không. Đối với việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Xuân số lượng người gốc Việt Nam không nhiều nên cần nghiên cứu thêm về chính sách này.
Còn ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đề nghị làm rõ thêm các vấn đề về pháp lý và thực tiễn đặt ra khi tích hợp nhiều thông tin trong CCCD, đặc biệt là thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành liên quan đối với thông tin được tích hợp.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì buổi họp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật CCCD. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn chi tiết; rà soát, nghiên cứu kỹ lại các điều luật, Luật liên quan; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung cơ bản của dự thảo Luật.
Thứ trưởng đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm về tính khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật trong việc bổ sung nhiều thông tin công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp các thông tin cá nhân của người dân vào thẻ CCCD. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi không tự mình thực hiện được các giao dịch dân sự, vì vậy trường hợp được cấp thẻ CCCD thì việc thực hiện các giao dịch dân sự vẫn phải thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ. Do đó, cần cân nhắc thêm về vấn đề này, để tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính, các chi phí thực hiện…
Châu Dương