25 năm xây dựng và phát triển, HVTP từng bước trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp

27/02/2023
25 năm xây dựng và phát triển, HVTP từng bước trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp
Ngày 25/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tư pháp, tiền thân là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp được thành lập theo Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg ngày 11/02/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời phỏng vấn về chặng đường 25 năm xây dựng, phát triển và tầm nhìn mới của Học viện Tư pháp.
-Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những đóng góp của Học viện Tư pháp cho Ngành và cho đất nước trong 25 năm qua?
Tiền thân của Học viện Tư pháp là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp có nhiệm vụ là đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên và một số chức danh tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Những ngày đầu khi mới thành lập, trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất và biên chế hạn hẹp, tiếp nhận nhiệm vụ rất mới so với thực tiễn đào tạo nghề luật ở Việt Nam tại thời điểm đó nhưng Học viện đã chứng tỏ được niềm tin mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó bằng kết quả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bước đầu khẳng định được vị thế là “chiếc nôi đầu tiên” về đào tạo chức danh tư pháp tại Việt Nam.
 
Bộ trưởng Lê Thành Long gặp gỡ học viên Lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát trong một giờ học tại Học viện Tư pháp

Sau hơn 5 năm hoạt động, trước yêu cầu ngày càng cao về quy mô, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp vững mạnh, nhất là đội ngũ cán bộ tư pháp có năng lực, trình độ, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế để đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, ngày 25/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tư pháp trên cơ sở Trường Đào tạo các chức danh tư pháp với nhiệm vụ tập trung thống nhất đầu mối đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam. Trọng tâm lúc này của Học viện Tư pháp là thực hiện mục tiêu chiến lược: Nâng tầm chất lượng tổng thể mọi mặt hoạt động của Học viện ở vị thế một cơ sở đào tạo được giao làm đầu mối thống nhất về đào tạo chức danh tư pháp ở Việt Nam.
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tư pháp đang từng bước trở thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp. Học viện đã đào tạo được 78.668 học viên, bồi dưỡng được 59.155 lượt người học. Cùng với việc gia tăng về số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cũng được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nguồn các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp. Hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng mang tính ứng dụng cao, phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Cùng với đó, công tác hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng, phát triển về chiều sâu, ngày càng thực chất, hiệu quả. Học viện Tư pháp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giảng viên, các chức danh tư pháp, cán bộ pháp luật và tư pháp Lào trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Học viện Tư pháp Lào”.
Với những kết quả đào tạo, bồi dưỡng đã đạt được nêu trên, Học viện Tư pháp đã cung cấp nguồn các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế có đủ kiến thức, năng lực, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu công việc, hoạt động nghề nghiệp, khẳng định là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp có chất lượng; góp phần chuẩn hóa tiêu chuẩn cán bộ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp được đề ra tại các Chiến lược của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước và thực hiện thành công chiến lược cải cách tư pháp, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn mới.
-Ngày 30/9/2022 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, Đề án này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Học viện trong giai đoạn mới?
Chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là đảm bảo nguồn nhân lực tư pháp, bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, tại phiên họp thứ 12 ngày 29/4/2021 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã thảo luận và thống nhất giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối với với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”. Ngày 30/9/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1155/QĐ-TTg chính thức phê duyệt Đề án này với mục tiêu tổng quát là: Khẳng định vị trí, chức năng của Học viện Tư pháp là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đến năm 2030, Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực.
Quyết định số 1155/QĐ-TTg được ban hành là sự ghi nhận kết quả, khẳng định sự đóng góp đồng thời cũng là sự kỳ vọng của Đảng, Chính phủ đối với Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật và pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội. Với yêu cầu cao hơn về mục tiêu, nhiệm vụ cả về số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từ nay đến năm 2030, tôi cho rằng việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ vào vai trò của Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp trong công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có chất lượng cho đất nước, nhất là trong bối cảnh Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với các giải pháp cụ thể về đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.
Riêng đối với Học viện Tư pháp, tôi cho rằng đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức lớn đối với đội ngũ viên chức, người lao động. Một mặt tạo cơ hội cho Học viện Tư pháp tiếp tục được tạo cơ hội để khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp cho Việt Nam; bồi dưỡng, tạo nguồn bổ nhiệm các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, các chức danh quản lý lãnh đạo không chỉ cho Bộ, ngành Tư pháp mà còn cho nhiều Bộ, ngành khác và các địa phương trên cả nước; đồng thời đây cũng là cơ sở pháp lý để nhà nước và xã hội đầu tư cho sự phát triển của Học viện Tư pháp trong thời gian tới.
Mặt khác, với việc mở rộng hơn phạm vi đào tạo các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp so với giai đoạn trước, cùng với yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hội nhập quốc tế, việc triển khai thực hiện Đề án này cần có bước đột phá trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn của nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp, nhất là trong công tác hoàn thiện thể chế pháp lý về tiêu chuẩn các nghề tư pháp, bổ trợ tư pháp, tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, về chuẩn đào tạo (chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn học liệu…). Đây chính là những thách thức không nhỏ mà Học viện Tư pháp phải đối mặt trong thời gian tới. Nếu Học viện Tư pháp tận dụng được thời cơ và vượt qua được những thử thách nêu trên thì vị thế của Học viện Tư pháp không chỉ được khẳng định trong phạm vi quốc gia, mà còn vươn tầm khu vực và có thể còn xa hơn nữa.
- Vậy theo Bộ trưởng, Học viện Tư pháp cần làm gì trong thời gian tới?
Nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, để triển khai thành công Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ có rất nhiều việc Học viện Tư pháp phải làm, trong đó cần đặc biệt lưu ý một số công việc có tính chất trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó chú trọng: (i) Nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng và thi hành pháp luật; (ii) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ chức danh tư pháp và bổ trợ tư pháp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; (iii) Đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nội tại của Học viện, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, nhất là đội ngũ giảng viên và cán bộ làm công tác quản lý, phục vụ đào tạo, bồi dưỡng; cần tạo cơ chế thu hút những người giỏi nghề, các chuyên gia phù hợp với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng làm giảng viên thỉnh giảng cho Học viện, đồng thời phải “nuôi dưỡng” tốt đội ngũ giảng viên thỉnh giảng này.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới và phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện có, đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo mới theo các mục tiêu của Đề án. Tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải được xây dựng, phát triển theo hướng tăng cường giáo dục đạo đức, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, nâng cao năng lực thực hành nghề và kỹ năng bổ trợ, kiến thức về hội nhập quốc tế, đa dạng hình thức, loại hình đào tạo, tạo tính liên thông cao giữa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng gần gũi nhau, có tính mở phù hợp với xu hướng học tập suốt đời để các học viên sau khi được đào tạo, bồi dưỡng có thể làm được việc ngay và phải làm tốt công việc thuộc lĩnh vực được đào tạo, bồi dưỡng. Cùng với việc xây dựng, phát triển chương trình, cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện hệ thống học liệu, bao gồm cả hệ thống học liệu điện tử đáp ứng yêu cầu về nội dung của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và sự đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ ba, cần chú trọng hơn nữa tới công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng, lựa chọn các chủ đề, đề tài nghiên cứu chuyên sâu phục vụ trực tiếp nhiệm vụ xây dựng, phát triển và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp; hoàn thiện thể chế pháp lý liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp nói chung.
Thứ tư, cần chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại Học viện Tư pháp; hiện đại hóa cơ sở vật chất, nhất là hệ thống thư viện, phòng học cùng các trang thiết bị dạy - học; xây dựng hệ thống quản trị thông minh, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Thứ năm, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác hợp tác trong nước và quốc tế để tận dụng các cơ hội, thành tựu và kinh nghiệm hay trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung, đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp nói chung.
-Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Học viện Tư pháp, Bộ trưởng có nhắn gửi điều gì đến các viên chức, người lao động của Học viện Tư pháp?
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Học viện Tư pháp, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp của toàn thể viên chức, người lao động của Học viện cho Bộ, Ngành và cho đất nước trong suốt 25 năm qua. Tôi mong mỗi viên chức, người lao động của Học viện Tư pháp không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, học hỏi, rèn luyện nâng cao năng lực, đoàn kết một lòng, nhiệt huyết cống hiến sức lực và trí tuệ, tận dụng tốt mọi cơ hội, nỗ lực vượt qua thử thách để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu được giao tại Quyết định số 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, xây dựng Học viện Tư pháp tiếp tục là địa chỉ uy tín, tin cậy trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp, pháp luật của Việt Nam, từng bước vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Chúc toàn thể viên chức, người lao động của Học viện Tư pháp luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.
-Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!