Hoàn thiện các quy định pháp luật về nhà ở

05/01/2023
Hoàn thiện các quy định pháp luật về nhà ở
Chiều 02/01, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì phiên họp.
Tháo gỡ tồn tại, hạn chế của Luật Nhà ở 2014
Theo Tờ trình Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Nhà ở năm 2014, công tác phát triển và quản lý nhà ở đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, các quy định về quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp các cá nhân, tổ chức và các chủ thể có liên quan thực hiện thuận lợi các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tài sản là nhà ở, đồng thời giúp cơ quan nhà nước có cơ sở xử lý giải quyết nhằm giảm bớt các tranh chấp liên quan đến sở hữu nhà ở.
Luật Nhà ở năm 2014 cũng có nhiều sự đổi mới trong tư duy chính sách (bổ sung quy định về các Chương trình mục tiêu về nhà ở cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn…); mở rộng thêm hình thức và đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong đó người dân có thu nhập thấp được mua nhà ở xã hội, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư…
Điều này góp phần khuyến khích, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội vào đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước; đồng thời đa dạng hóa nguồn cung nhà ở xã hội, giúp cho hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, đặc biệt là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị tự tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh - xã hội của đất nước 
 

Đại diện Bộ Xây dựng trình bày Dự thảo Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên họp.
 
Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thi hành, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, bên cạnh đó nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai nên Luật Nhà ở năm 2014 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, việc bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh, giải quyết một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn là cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển nhà ở trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để phát triển nhà ở xã hội
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện việc triển khai xây dựng Dự án Luật Nhà ở theo đúng quy định pháp luật: xây dựng chính sách, thực hiện lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, các nhà khoa học; tổ chức nhiều hội thảo để trao, đổi lấy ý kiến và học tập kinh nghiệm quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung thêm các quy định về: hình thức phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư; thời điểm thẩm định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương. Đặc biệt, so với Luật Nhà ở năm 2014, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung 2 mục quy định về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang.
 

Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà phát biểu tại phiên họp.
 
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Chính phủ. Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho biết Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, cần bổ sung các quy định để huy động tối đa nguồn lực xã hội để xây nhà cho công nhân. Đánh giá việc bỏ quy định bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội là hợp lý, đồng chí đề xuất cần có quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội.
Đại diện Bộ Công an nhất trí cần thiết phải bổ sung chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang; việc xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở nên để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; đồng thời nên quy định linh hoạt các loại nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Cảm ơn ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định, đại diện Ban soạn thảo hứa sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện Hồ sơ thẩm định Dự án Luật trong thời gian tới.
 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại phiên họp.
 
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh cao sự nghiêm túc của cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ cơ bản đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đề ra. Theo Thứ trưởng, các mục tiêu quan trọng của Dự án Luật đã đạt được, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; nội dung của Dự thảo cơ bản phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh đã xác định trong đề nghị xây dựng luật; phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước…
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý đảm bảo nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về nhà ở qua các thời kỳ và sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn, đảm bảo tính tổng thể, tính chiến lược lâu dài; cần rà soát thật kỹ các luật khác cũng có quy định về điều khoản áp dụng pháp luật để tránh chồng chéo; lược bớt các quy định không phản ánh đặc thù về quy định nhà ở, không nên quy định một số nội dung quá cụ thể, dễ lạc hậu, dễ phải sửa…
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên Hội đồng và báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ.
 
Anh Thư - Trung tâm Thông tin