Giải quyết vấn đề quốc tịch cho trẻ em: Ngăn ngừa trào lưu “sính” quốc tịch “ngoại”

16/05/2011
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã nhận được nhiều yêu cầu về việc nhập, xác định quốc tịch Việt Nam, nhất là đối với trẻ em sinh ra ở nước ngoài có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là công dân Việt Nam. Tại cuộc họp liên ngành chiều ngày 13/5 do Bộ Tư pháp chủ trì, các chuyên gia đều nhất trí, giải quyết các vấn đề về quốc tịch cần đảm bảo sự hài hòa giữa nguyên tắc một quốc tịch trong xu hướng đa quốc tịch hiện nay.

Tranh cãi về cho giữ quốc tịch gốc

Bộ Tư pháp nhận được 07 bộ hồ sơ do UBND các tỉnh chuyển đến đề nghị cho trẻ em được nhập quốc tịch Việt Nam, đồng thời có nguyện vọng giữ quốc tịch nước ngoài. Đó là những trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài có một bên cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn bên kia là công dân nước ngoài. Trong các trường hợp này, khi đăng ký khai sinh cho con tại cơ quan có thẩm quyền, cha mẹ trẻ em đã lựa chọn quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, khi cư trú tại Việt Nam, các trẻ em có quốc tịch nước ngoài có một số vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như phải thực hiện các thủ tục xin đăng ký tạm trú ở cơ quan công an 1 năm/lần.... Do vậy, cha, mẹ trẻ em đã có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam cho các cháu để các cháu thuận tiện khi sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Nhưng với lý do “giữ sự ràng buộc về tình cảm, cũng như quyền lợi về tài sản, thuận tiện cho việc đi về thăm người thân…” nên muốn xin giữ quốc tịch nước ngoài cho các cháu nếu được nhập quốc tịch Việt Nam.

Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) nhận thấy, dù các cháu có đủ điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng lý do xin giữ quốc tịch gốc “chưa có tính thuyết phục cao” để coi là những trường hợp đặc biệt cho phép mang hai quốc tịch theo pháp luật Việt Nam.

Hơn nữa, ông Nguyễn Văn Toàn (Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp) nhận định, nếu chấp thuận những trường hợp này thì sau này sẽ có nhiều hồ sơ khác, nhất là trong điều kiện việc kết hôn, đi lại, sinh sống giữa công dân các nước hiện rất thuận tiện.

Nhưng ông Trịnh Đức Hải (Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao) lại cho rằng, luật có để “ngỏ” những trường hợp ngoại lệ và thực tế không nhiều những trường hợp vậy. Mà việc người có 2 quốc tịch cũng không ảnh hưởng gì khi sinh sống ở Việt Nam. Do đó, trong những trường hợp này, nên tạo điều kiện cho các cháu giữ được quốc tịch gốc nếu cư trú lâu dài ở Việt Nam với cha hoặc mẹ là người Việt Nam.

Ngược lại, bà Ngô Minh Hồng (Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) không đồng tình với việc cho giữ 2 quốc tịch khi Luật Quốc tịch Việt Nam quy định nguyên tắc 1 quốc tịch để hạn chế tối đa tình trạng đa quốc tịch. Nên “đã nhập quốc tịch Việt Nam phải thôi giữ quốc tịch nước ngoài” - bà Hồng nhấn mạnh.

Đồng tình với nhận định của Vụ Hành chính tư pháp về những lý do được đưa ra trong các trường hợp này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng, cần phải xem xét thêm trước khi có quyết định cho các cháu được nhập quốc tịch Việt Nam khi vẫn giữ quốc tịch gốc hay không.

Không để thành trào lưu “lách” luật

Ngoài ra, Bộ cũng nhận được 04 hồ sơ của công dân đề nghị xác định quốc tịch Việt Nam cho trẻ em được sinh ra tại nước ngoài, mà có cả cha và mẹ đều là công dân Việt Nam, định cư ở Việt Nam. Các trẻ em này đã có quốc tịch Hoa Kỳ, New Zealand, Australia theo nguyên tắc lãnh thổ trong Luật Quốc tịch các nước này vì được sinh ra và đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, không phải tại cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước đó.

Đại diện Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho rằng, xu thế công dân có nhiều quốc tịch trong điều kiện pháp luật các nước liên quan cho phép là không thể tránh khỏi vì là hệ quả xung đột về pháp luật quốc tịch.

Do đó, nhiều chuyên gia cũng đã đồng tình với phương án Sở Tư pháp nơi các cháu đang cư trú có thể vận dụng các quy định để cấp bản chính giấy khai sinh của Việt Nam, với quốc tịch Việt Nam theo nguyên tắc huyết thống. Nếu cha mẹ có nguyện vọng thì ghi cả quốc tịch nước ngoài vào Giấy khai sinh.

Như vậy sẽ thuận lợi cho các cháu có 2 quốc tịch, nhưng sẽ gây tiền lệ chung cho các trường hợp khác, bởi theo cảnh báo của ông Trần Thất (Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp - Bộ Tư pháp), nếu giải quyết công nhận 2 quốc tịch cho các trường hợp này có thể tạo thành “trào lưu” lạm dụng quy định của pháp luật và số trẻ có hai quốc tịch sẽ tăng lên. “Đây là những trường hợp chưa được “lường” đến khi xây dựng luật. Nên hiện có thể giải quyết, nếu sau phát sinh nhiều thì cần báo cáo để xử lý cho phù hợp với thực tiễn, không để tình trạng vi phạm nguyên tắc 1 quốc tịch của Việt Nam” - ông Thất thừa nhận.

Để ngăn chặn những trường hợp “tính toán” cho con có 2 quốc tịch khi nhiều người “sính” quốc tịch “ngoại”, nhất là khi hiện không quá khó khăn để có thể ra nước ngoài sinh con, bà Hồng đề nghị, việc đương nhiên công nhận quốc tịch Việt Nam cho các cháu cũng cần tránh tình trạng lạm dụng, lách luật nên trong giấy khai sinh chỉ ghi một quốc tịch.

Quốc tịch là vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của người dân nên nếu có phát sinh phải kịp thời giải quyết, không để tồn đọng, kéo dài. Tuy vậy, giải quyết nhưng tránh “lách” luật, đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân và cần xem xét các qui định của pháp luật về quốc tịch để có thể có kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn./.

Long Hưng