Chiều 30/12, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2023. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Cục trưởng Phạm Tuấn Ngọc đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Nguyễn Hồng Hải cho biết, trong năm 2022, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hiệu quả và theo đúng kế hoạch. Công tác xây dựng văn bản, đề án trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, phát huy được năng lực sở trường của từng công chức trong nghiên cứu, rà soát, tổng kết để xây dựng nội dung dự thảo văn bản phù hợp quy định hiện hành và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi; tổ chức thường xuyên các cuộc họp nhóm thường trực và xin ý kiến chỉ đạo, tiến độ theo đúng kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm được tăng cường, chú trọng vào chất lượng, hiệu quả, nhất là trong chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động vay vốn đầu tư, tín dụng và sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao nhận thức hiểu biết của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Cục trưởng Phạm Tuấn Ngọc đồng chủ trì Hội nghị
Công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm được duy trì ổn định, tỷ lệ đăng ký theo phương thức trực tuyến tăng lên chiếm 81% tổng số phiếu yêu cầu, số liệu đăng ký ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, trong năm 2022, các Trung tâm Đăng ký đã tiếp nhận và giải quyết 1.183.976 Phiếu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự và Phiếu yêu cầu thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả này phản ánh giá trị tích cực của thiết chế đăng ký biện pháp bảo đảm đối với sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển thị trường tài chính, tiền tệ nói riêng, giúp thị trường vốn vận hành an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và xu hướng hội nhập, phát triển kinh tế thế giới.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm tiếp tục là điểm sáng với việc tích hợp, kết nối nhóm thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm vào Cổng dịch vụ công quốc gia; bảo đảm tính ổn định, an ninh, an toàn của hệ thống, giải quyết công việc nhanh chóng, thông suốt và hiệu quả, từ đó, thủ tục hành chính được đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được quan tâm triển khai, thực hiện đồng bộ; việc đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ công chức, viên chức của Cục tiếp tục được quan tâm, đảm bảo đầy đủ, kịp thời.
Đồng chí nhấn mạnh, có được những kết quả như trên do sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, của tổ chức Đảng và của tập thể Lãnh đạo Cục; tinh thần đoàn kết cao, tập trung trí tuệ, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức của lãnh đạo, công chức, viên chức của Cục; sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Hồng Hải trình bày báo cáo kết quả công tác tại Hội nghị.
Để nâng cao hiệu quả công tác đăng ký giao dịch bảo đảm, trong năm 2023, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; tổ chức thi hành hiệu quả pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản; tăng cường quản lý hoạt động của các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản bảo đảm thống nhất, đồng bộ; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký; kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục và các đơn vị thuộc Cục.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Cơ bản tán thành một số định hướng công tác năm 2023 của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị Cục cần bám sát Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành TW Đảng về tiếp tục Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bên cạnh đó, Cục cần chủ động tổ chức triển khai, thi hành hiệu quả Nghị định số 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm kết hợp với việc thi hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ trong nghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ về kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự của Cục nhằm đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chất lượng, phù hợp với lĩnh vực đặc thù của quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm và chế độ chính sách khác đối với công chức, viên chức, người lao động của Cục; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin