Tiếp tục làm tốt công tác pháp điển trong giai đoạn mới

29/12/2022
Tiếp tục làm tốt công tác pháp điển trong giai đoạn mới
Chiều 29/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết việc triển khai, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/07/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy đồng chủ trì Hội nghị.
Bộ pháp điển được quy định cấu trúc bởi 271 đề mục, thời hạn thực hiện từ năm 2014 đến năm 2023 theo lộ trình 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 08 chủ đề; Giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thành 27 chủ đề và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 10 chủ đề. 
Qua gần 09 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực để bảo đảm công tác xây dựng Bộ pháp điển hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng. Trên thực tế, kết quả công tác pháp điển tính đến hiện tại đạt chất lượng, hiệu quả và đã vượt tiến độ hơn 01 năm so với thời hạn được đề ra.
Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 263/271 đề mục, đạt tỷ lệ hơn 97% khối lượng Bộ pháp điển, các đề mục còn lại đang được các Bộ, ngành quyết tâm hoàn thành trong năm 2022. Qua việc pháp điển 263/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 08 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 09 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.
Báo cáo kết quả triển khai công tác pháp điển tại Hội nghị, ông Nguyễn Duy Thắng – Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết để đạt được các kết quả trên, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tổ chức triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ được giao với nhiều chỉ đạo cụ thể như: phân công các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp điển; kịp thời bố trí nhân sự, kinh phí phù hợp cho đơn vị đầu mối cũng như đơn vị làm công tác pháp điển; xây dựng các văn bản chỉ đạo, quy định nội bộ nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai công tác này được thuận lợi, hiệu quả; thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản sử dụng để pháp điển ít, đơn giản, có tính ổn định và các đề mục có liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp...
 

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Duy Thắng báo cáo kết quả công tác pháp điển.
 
Các điều kiện phục vụ công tác pháp điển được đảm bảo đầy đủ, chi tiết với các hành động cụ thể, kịp thời về xây dựng, hoàn thiện thể chế; bố trí nhân sự làm công tác pháp điển; trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức làm công tác pháp điển; bố trí, sử dụng kinh phí hợp lý cho công tác pháp điển; xây dựng Cổng thông tin điện tử pháp điển; xây dựng Phần mềm hỗ trợ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.   
Ngoài ra, để các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận, khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, giới thiệu Bộ pháp điển ra ngoài xã hội. Theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử pháp điển, cho đến nay đã có hơn 08 triệu lượt truy cập (trung bình mỗi ngày có hơn 03 nghìn lượt truy cập). Hiện nay, nhiều luật sư, doanh nghiệp, người làm việc tại các cơ quan nhà nước, sinh viên… đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những địa chỉ tin cậy hỗ trợ việc tra cứu và áp dụng pháp luật. Hiện nay, đã có 06 bộ, ngành, 16 địa phương tích hợp Bộ pháp điển trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Bộ pháp điển vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: bố trí nhân sự tại các đơn vị thuộc bộ, ngành làm công tác pháp điển vẫn chưa tương xứng với tính chất và khối lượng công việc; trình tự, thủ tục, kỹ thuật pháp điển khá phức tạp khiến cho việc thực hiện pháp điển tốn nhiều thời gian, công sức; Bộ pháp điển còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin nên khó khăn khi tra cứu, sử dụng; công tác phổ biến, tuyên truyền Bộ Pháp điển còn hạn chế.
 

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghịThứ trưởng Phan Chí Hiếu ghi nhận và nhiệt liệt chúc mừng các tập thể, cá nhân trực tiếp tham gia công tác pháp điển đã đạt được những kết quả tốt. Thứ trưởng đánh giá việc xây dựng Bộ pháp điển “về đích sớm” 1 năm là “kỳ tích” mà công tác pháp điển đã đạt được, đồng thời cho biết kết quả mà công tác xây dựng pháp điển đạt được có hai tác động lớn: Bộ pháp điển tương đối hoàn chỉnh được ra đời để phục vụ tra cứu, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần tích cực vào công tác xây dựng và tổ chức hệ thống pháp luật; đội ngũ cán bộ trực tiếp xây dựng Bộ pháp điển tích kũy được kinh nghiệm thực tiễn, qua đó có thể tin tưởng công tác pháp điển sẽ tiếp tục được làm tốt trong thời gian tới.
Mặt khác, Thứ trưởng bày tỏ vui mừng khi Hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận các bất cập, hạn chế còn tồn tại trong công tác pháp điển thời gian qua, qua đó đề xuất các giải pháp khắc phục.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ công tác pháp điển trong giai đoạn tới, đồng thời đề nghị Hội nghị tập trung nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ chủ yếu như: đẩy mạnh quản lý nhà nước trong công tác pháp điển; Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ để kịp thời cập nhật văn bản quy phạm pháp luật mới vào Bộ pháp điển; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thực hiện pháp điển các đề mục còn lại; phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa Bộ pháp điển; thực hiện hiệu quả công tác truyền thông pháp điển.
Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng rằng Bộ pháp điển sẽ ngày càng hoàn thiện, phát huy tốt vai trò của mình, đặc biệt là năng lực ứng dụng trong thực tiễn.
 



Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác pháp điển nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
 
Lê Huy - Trung tâm Thông tin