Sáng 18/12, Đại hội Đại biểu Công chứng viên Toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội. Đến dự và chỉ đạo Đại hội có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Tham dự Đại hội còn có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu; nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Quỳnh Anh; cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và trên 200 đại biểu đại diện cho khoảng 3.000 công chứng viên trên toàn quốc.
Theo báo cáo tại Đại hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động của Hiệp hội đã đạt được những kết quả nhất định, đáng ghi nhận. Thể chế, pháp luật về công chứng ngày càng hoàn thiện, thuận lợi hơn cho hoạt động công chứng và xã hội hoá mạnh mẽ hoạt động công chứng; trao quyền rộng rãi cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, đồng thời thực hiện hiệu quả hơn vai trò quản lý của Nhà nước. Đội ngũ công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết năm 2021, Hiệp hội có 3.054 công chứng viên (tăng 454 hội viên), 63 tổ chức là Hội viên Hiệp hội (tăng 12 hội viên), 1.293 tổ chức (tăng 211 tổ chức). Bên cạnh số lượng hội viên, số tổ chức hành nghề công chứng tăng thì số việc, số tiền thu, số tiền đóng góp cho ngân sách đều tăng hàng năm.
Hoạt động hợp tác quốc tế về công chứng trong nhiệm kỳ qua đạt nhiều kết quả cụ thể thông qua các hoạt động hợp tác với công chứng Pháp, Tây Ban Nha, Đức. Việt Nam đã chủ động, tích cực thực hiện tốt các nghĩa vụ thành viên của Liên minh công chứng quốc tế; đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 6 của Uỷ ban Châu Á, nhờ đó, hình ảnh, vị thế và uy tín của công chứng Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong tổ chức, hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ vừa qua. Như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong một số việc còn thiếu linh hoạt; việc giám sát hội viên trong hành nghề có việc chưa thực sự sát sao; trình độ của đội ngũ công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều, chất lượng hoạt động công chứng có nơi, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu; việc thành lập Hội công chứng viên tại một số địa phương còn chậm, công tác phối hợp có việc còn thiếu tính liên kết…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và biểu dương thành tích mà các công chứng viên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên đã đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương đối với công tác tư pháp, pháp luật nói chung và hoạt động công chứng nói riêng, trong đó xác định rõ công chứng là một trong những thiết chế bổ trợ tư pháp quan trọng cần được quan tâm phát triển theo định hướng xã hội hoá.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Đại hội
Tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ: Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng. Trong lĩnh vực công chứng, Nghị quyết xác định: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng…; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng… đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội…” Như vậy, thời gian tới, yêu cầu, nhiệm vụ đối với hoạt động công chứng sẽ ngày càng cao hơn.
Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp mà Đại hội đề ra, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị trong nhiệm kỳ II, Hiệp hội tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực công chứng, đặc biệt là Nghị quyết số 27; Nghị quyết số 172 năm 2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, đảm bảo phát huy đầy đủ, trọn vẹn hơn vai trò của hoạt động công chứng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Định hướng phát triển phải bảo đảm tính bền vững, lấy nguyên tắc an toàn pháp lý cao nhất cho các hợp đồng, giao dịch là điều kiện hàng đầu và thước đo giá trị cho hoạt động này, đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm đối với xã hội, người dân.
Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp, các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, chú trọng thu hút, huy động trí tuệ của đội ngũ công chứng viên, chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể về chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, góp phần thiết thực triển khai Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi sổ quốc gia”. Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Hiệp hội chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan của Hiệp hội, các Hội công chứng viên ở địa phương theo hướng khoa học, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, đảm bảo thông suốt, thông nhất.
Hiệp hội cần có giải pháp cụ thể để đảm bảo tối đa quyền, lợi ích chính đáng của hội viên; phối hợp với Bộ Tư pháp tập trung phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phát huy vai trò tham mưu giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về công chứng; bảo đảm vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển nghề công chứng; nghiên cứu chuẩn hóa quy trình, thủ tục công chứng gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan đến hoạt động công chứng (như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...), đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định về các giao dịch, hợp đồng phải công chứng; chia sẻ thông tin trong các cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, bất động sản, đảm bảo các hoạt động công chứng được thực hiện chính xác, thuận lợi, nhanh chóng, chi phí thấp, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa rủi ro, tranh chấp, tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, bất động sản, nhà ở, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Tư pháp, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đồng thời tạo các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng tại địa phương.
Toàn cảnh Đại hội
Thay mặt cho các thành viên của Hội đồng công chứng viên toàn quốc nhiệm kỳ II, ông Nguyễn Chí Thiện, Chủ tịch Hội đồng xin nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực và sẽ cụ thể hoá thành phương hướng hành động chi tiết của Hội đồng công chứng viên toàn quốc trong nhiệm kỳ này. Ông Nguyễn Chí Thiện cũng hứa sẽ luôn “Đoàn kết – Dân chủ - Kỷ cương – Trí tuệ” để nỗ lực, phấn đấu ở mức cao nhất hướng đến hoàn thành trọng trách Phó Thủ tướng Thường trực, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng như Đại hội đã tín nhiệm giao phó.
Lê Huy - Trung tâm Thông tin