Bộ Tư pháp “tuýt còi” văn bản “phạm quy”

09/05/2011
Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp vừa có Công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận, Quảng Trị và Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội thông báo về những vấn đề chưa phù hợp với pháp luật trong văn bản do các địa phương và Bộ này ban hành.

Ninh Thuận: Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa hợp lý

Cuối năm 2010, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 2380/2010/QĐ-UBND quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bản tỉnh. Tuy nhiên, theo Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp), văn bản này đã bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại, nhất là khi Ninh Thuận đang được quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta.

Hiện chưa có quy định hướng dẫn về việc trả thêm tiền lãi trong giải quyết chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho các dự án. Nhưng Điểm a Khoản 4 Điều 6 Quyết định số 2380 quy định “tiền lãi trả cho các hộ do tổ chức thực hiện bồi thường thanh toán nếu chủ đầu tư đã chuyển đủ kinh phí và tài khoản của tổ chức thực hiện việc bồi thường; do chủ đầu tư chịu nếu chưa chuyển đủ kinh phí vào tài khoản của tổ chức thực hiện bồi thường”.

Nghĩa là Quyết định 2380 giao hoàn toàn “trách nhiệm trả tiền lãi” cho chủ đầu tư trong khi đã bố trí đủ kinh phí cho việc bồi thường. Trong khi điều 15 Nghị định 69/2009/NĐ-CP về chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quy định, tiền bồi thường trong các trường hợp GPMB được ngân sách nhà nước hoàn trả hoặc đã được tính toán vào vốn đầu tư của dự án và đã được phê duyệt xong.

Trên thực tế, việc quy định trả thêm tiền lãi trong bồi thường GPMB là có lợi hơn cho người dân, đồng thời làm tăng trách nhiệm của tổ chức thực hiện bồi thường trong việc chi trả tiền bồi thường. Tuy nhiên, Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng, việc Quyết định 2380 xác định trách nhiệm của chủ thể phải chi trả tiền lãi cho người dân sau khi đã bố trí đủ kinh phí bồi thường là “chưa có cơ sở”.

Điều 9 Thông tư 14/2009/TT-BTNMT về xử lý các trường hợp tổ chức bị thu hồi đất nhưng không được bồi thường quy định tại Điều 17 Nghị định 197/2004/NĐ-CP, không có sự phân biệt giữa công ty Nhà nước và các tổ chức khác không phải là công ty nhà nước (cụ thể là cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp của Nhà nước) trong việc nhận tiền hỗ trợ khi phải di chuyển đến địa điểm mới.

Ngoài ra, nếu số tiền hỗ trợ này không sử dụng hết cho dự án đầu tư tại địa điểm mới thì số tiền còn lại phải nộp lại ngân sách nhà nước, chứ không đương nhiên được coi là nguồn vốn của ngân sách Nhà nước đầu tư cho công ty nhà nước.

Song theo Điều 19 Quyết định 2380, công ty Nhà nước tại Ninh Thuận bị thu hồi đất mà không được bồi thường nếu phải di dời đến cơ sở mới sẽ được “hỗ trợ tối đa bằng mức bồi thường cho đất bị thu hồi”. Sau khi chi phí thì “số còn lại là nguồn vốn của ngân sách nhà nước đầu tư cho công ty”. Nếu không phải là công ty Nhà nước thì trong trường hợp này được hỗ trợ “bằng 25% mức bồi thường cho đất bị thu hồi để di dời, xây dựng cơ sở mới nhưng tối đa không quá 5 tỷ đồng”. Như vậy, chính sách về hỗ trợ di dời cho các tổ chức ở Ninh Thuận như trên là chưa đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện Quyết định 2380, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Thuận cũng phát hiện ra quy định chưa hợp lý tại Điều 34 về hỗ trợ cho người đang thuê nhà không thuộc sở hữu của Nhà nước.

Thực tế cho thấy, ở các địa phương, chính sách bồi thường, GPMB giải quyết không thấu đáo, không đúng pháp luật sẽ bị lợi dụng, kích động, tạo thành các “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn. Do vậy, với những điểm trái pháp luật của Quyết định 2380, ngày 25/4, Cục Kiểm tra VBQPPL đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận khẩn trương tiến hành tự kiểm tra, xử lý đối với Quyết định 2380 để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo thuận lợi cho chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh.

Quảng Nam: Xác định tài sản là quyền sử dụng đất (QSDĐ) có giá trị lớn, phức tạp là không có căn cứ pháp lý

Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đã có Công văn thông báo với UBND tỉnh Quảng Nam về những quy định chưa phù hợp với quy định pháp luật của Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.

Đối chiếu với quy định tại Điều 20 Nghị định 17/2010/NĐ-CP, Điều 12 Thông tư số 23/2010/TT-BTP, quy định tại Điều 7 Quy chế này là không phù hợp. Bởi, theo các quy định hiện hành, nếu tài sản nhà nước có giá trị lớn, phức tạp và tài sản là QSDĐ có giá trị lớn, phức tạp thì Hội đồng Bán đấu giá tài sản (BĐGTS) trong trường hợp đặc biệt được thành lập để thực hiện việc BĐG. Hơn nữa, Khoản 3 Điều 12 Thông tư số 245/2009/TT-BTC quy định, tài sản nhà nước có giá trị lớn, phức tạp hoàn toàn khác với tài sản Nhà nước có giá trị lớn được đưa ra trong Quy chế.

Hiện cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định giá trị lớn, phức tạp với tài sản là QSDĐ (trừ tài sản là QSDĐ đã nêu trong Khoản 3 Điều 12 Thông tư 245/2009) có giá trị lớn, phức tạp. Việc xác định tài sản là QSDĐ có giá trị lớn, phức tạp để thành lập Hội đồng BĐGTS trong trường hợp đặc biệt sẽ được quy định trong Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp với các cơ quan hữu quan (đang trong quá trình soạn thảo). Từ đó, có thể thấy, quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế về việc xác định tài sản là QSDĐ có giá trị lớn, phức tạp là không có căn cứ pháp lý.

Bên cạnh đó, quy định về việc xử lý tình huống trong đấu giá QSDĐ “cũng chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 17/2010”. Cục Kiểm tra VBQPPL nhận thấy, tại Điểm a Khoản 3 Điều 12 Quy chế cho phép “tổ chức đấu giá tiếp giữa những người trả giá liền kề, để chọn ra người trúng đấu giá QSDĐ” trong khi Khoản 1 Điều 39 Nghị định 17/2010 lại quy định với những trường hợp như vậy, “đấu giá viên sẽ tổ chức bốc thăm để chọn ra người mua được tài sản đấu giá”.

Cục yêu cầu, “những “sai sót” trong quy chế này cần được xem xét, xử lý trong thời gian luật định (30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Cục Kiểm tra VBQPPL) cho phù hợp với các quy định hiện hành, đảm bảo tính hợp pháp của văn bản”.

Đồng thời, Cục Kiểm tra VBQPPL đã có công văn “nhắc nhở” Bộ LĐTB&XH đối với nội dung hướng dẫn “không thực hiện chế độ thăm viếng đối với mộ liệt sỹ đã được án táng tại nguyên quán” tại Công văn số 2269/NCC và Công văn 1114/NCC, trong khi hiện chưa có quy định rõ ràng những trường hợp này có được hỗ trợ kinh phí hay không.

Đối với Quyết định 09/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị (quy định cước vận tải hàng hóa bằng phương tiện ô tô, xe thô sơ và sức người áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị), Cục Kiểm tra VBQPPL chỉ ra, Quyết định 09 không phải là VBQPPL được quy định tại Điều 47 Luật Ban hành VBQPPL của HĐND và UBND nên không thể có hiệu lực từ ngày ký như quy định trong Quyết định này.

H.Giang