Ngày 23/09, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì phiên thẩm định đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQP) và động viên công nghiệp (ĐVCN). Thiếu tướng Lương Thanh Chương, Phó Chủ nhiệm - Tham mưu trưởng Tổng cục CNQP cùng chủ trì phiên thẩm định. Tham dự phiên thẩm định có thành viên Hội đồng thẩm định và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.
Để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đồng thời khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thi hành các Pháp lệnh về CNQP, ĐVCN và thực tiễn yêu cầu phát triển công nghiệp an ninh (CNAN), việc lập đề nghị xây dựng Luật CNQP, AN và ĐVCN trình Quốc hội xem xét thông qua là cần thiết, cấp bách đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ CNQP, CNAN và ĐVCN trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội được Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, trong quá trình lập đề nghị xây dựng dự thảo Luật, Bộ đã chủ động tiến hành các bước xây dựng Luật CNQP, ĐVCN; đánh giá, nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện trên cơ sở thực tiễn bối cảnh tình hình thế giới, khu vực những năm qua và kết quả quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh CNQP, Pháp lệnh ĐVCN; nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới về CNQP, ĐVCN, hoàn thiện dự thảo hồ sơ Luật CNQP, ĐVCN gửi xin ý kiến các đầu mối gồm các Bộ, ban, ngành, địa phương và đăng tải công khai hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi của nhân dân.
Tại phiên thẩm định, bên cạnh việc thẩm định về các nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các thành viên đã cho ý kiến về 05 Chính sách được nêu trong dự thảo, cụ thể: Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng
, an ninh; Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh;Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; Huy động nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện động viên công nghiệp.
Phát biểu tại phiên thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhắc lại quy định tại Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển CNQP của Bộ Chính trị, theo đó “
Công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù, phải được chăm lo xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư phát triển”, đồng thời “
Coi trọng phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ, huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng”. Để triển khai nhiệm vụ này theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị phải làm rõ cơ chế đặc thù được ưu tiên phát triển của công nghiệp quốc phòng là như thế nào trong dự thảo Luật này. Thứ trưởng cũng đặt câu hỏi: Việc ghép chính sách của công nghiệp quốc phòng vào công nghiệp an ninh đã thực sự phù hợp và làm nổi bật được chủ trương của Bộ Chính trị hay chưa? Do đó, trong hồ sơ dự thảo cần phải làm rõ được những nội dung này.
Nhất trí hoàn toàn với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng phạm vi của dự thảo Luật (điều chỉnh cả lĩnh vực công nghiệp an ninh), Thứ trưởng đề nghị các thành viên Hội đồng và cơ quan chủ trì xây dựng tập trung thảo luận về công nghiệp an ninh (đây là vấn đề mới so với dự thảo Luật trước đó), đồng thời làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, nêu rõ đánh giá về những vướng mắc trong pháp luật và thực tiễn về công nghiệp an ninh...
An Như – Trung tâm Thông tin