Không đuổi theo phát triển số lượng mà đi vào nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư

24/08/2022
Không đuổi theo phát triển số lượng mà đi vào nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư
Ngày 23/8, chủ trì Hội thảo nghiên cứu, rà soát Luật Luật sư do Bộ Tư pháp tổ chức, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu quan niệm thời gian tới không đuổi theo phát triển luật sư về số lượng mà đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng luật sư.
16 năm, đội ngũ luật sư tăng gấp gần 6 lần
 Trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Luật sư (LS) năm 2006, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa cho biết, ngay sau khi Luật được ban hành, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật cũng được ban hành kịp thời, đúng thời hạn. Trong quá trình triển khai thi hành Luật LS, Bộ Tư pháp thường xuyên rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về LS đúng thẩm quyền, phù hợp, thống nhất, đồng bộ với văn bản của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan cấp trên đã ban hành trước đó, cơ bản phù hợp với nhu cầu của tổ chức và hoạt động LS, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tiếp cận với thông lệ hành nghề LS quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vào thời điểm ban hành văn bản.
Về cơ bản, thể chế pháp luật về tổ chức và hoạt động của LS thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho LS và tổ chức hành nghề luật sư (TCHNLS) phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong đó có đội ngũ LS phục vụ hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vị thế của LS, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của LS ngày càng được nâng cao.
Về hiệu quả thực tế của các quy định trong Luật LS, các quy định này đã tạo bước phát triển đột phá về số lượng và chất lượng đội ngũ LS (đội ngũ LS cả nước từ 2.871 người năm 2006 đến nay đã tăng lên gần 17 nghìn người). Đội ngũ LS đã tham gia tố tụng trong nhiều vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại… Một số vụ án oan, sai đã được chỉ ra khi có sự tham gia của LS. Tại nhiều phiên tòa, thông qua tranh luận của LS đã sáng tỏ nhiều tình tiết làm thay đổi nội dung vụ án…
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình triển khai Luật LS đã thể hiện một số bất cập, hạn chế. Chẳng hạn, còn một số chủ trương, chính sách phát triển nghề LS chưa được thể chế hóa hay thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương; còn tình trạng một số LS có hành vi tiêu cực trong hành nghề hoặc lợi dụng quyền hành nghề KS thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tác động, lôi kéo người dân khiếu nại, khiếu kiện, tụ tập đông người trái pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội…
Đề xuất kỳ thi toàn quốc để “chắt lọc” đội ngũ luật sư
Tại Hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao sự ra đời của Luật LS năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) là một bước tiến quan trọng trong quá trình đổi mới và hoàn thiện thể chế về LS ở nước ta, tạo hành lang pháp lý cho LS và TCHNLS phát triển cả về số lượng và chất lương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chỉ ra một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thành Băng kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng cơ chế cho các địa phương được chủ động quyết định việc phân cấp quản lý nhà nước về hành nghề LS giữa cấp tỉnh và cấp huyện để giảm tải cho cấp tỉnh và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý nhà nước về LS và hành nghề LS tại địa phương. Đồng thời, ông Băng cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng cơ chế để LS được tham gia vào các dự án công, bảo vệ các lợi ích chung của cộng đồng, hỗ trợ pháp lý, công tác pháp chế của các cơ quan nhà nước.
Với thâm niên 26 năm tham gia hoạt động hành nghề, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Thị Ngọc Hạnh đề nghị trong Luật sửa đổi sắp tới cần quy định rõ mối quan hệ giữa Đoàn LS với các TCHNLS và chi nhánh, văn phòng đại diện các TCHNLS trên địa bàn, không nên chỉ quy định giám sát hoặc phối hợp giám sát chung chung. Ngoài ra, bà Hạnh cho rằng, một số đối tượng được miễn thời gian tập sự thì vẫn phải thi đầu vào để đảm bảo sự đầu tư trí tuệ khi muốn hành nghề LS, hiểu rõ Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam…
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao ý kiến của các đại biểu và tổng hợp lại một số vấn đề bất cập được nêu xung quanh TCHNLS, quyền hành nghề của LS, tự quản của LS và TCHNLS, vấn đề liên quan đến thực hiện pháp luật… Về một số định hướng sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, cần có cách tiếp cận để sửa đổi Luật LS, tựu trung lại là nội dung nào sẽ quy định trong Luật LS, nội dung nào quy định trong điều lệ, quy chế hoạt động để đảm bảo quyền tự quản, nội dung nào không cần quy định mà sẽ thực hiện theo nguyên tắc pháp lý thì cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, sẽ quy định cụ thể, chặt chẽ, hợp lý hơn theo hướng nâng cao hơn điều kiện hành nghề LS nhằm xây dựng đội ngũ LS đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng hành nghề thuần thục, có đạo đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng, không đuổi theo phát triển LS về số lượng mà đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng LS. Không những thế, sẽ quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các hình thức hành nghề LS; áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập sự, kiểm tra hết tập sự, thậm chí nghiên cứu đề xuất tổ chức 1 kỳ thi toàn quốc công khai, minh bạch để “chắt lọc” thực sự đội ngũ LS; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động LS…/.
Mai Hà Uyên