Hai Thứ trưởng Bộ Tư pháp tham gia thảo luận tại phiên họp chuyên đề của Thường vụ Quốc hội

18/08/2022
Hai Thứ trưởng Bộ Tư pháp tham gia thảo luận tại phiên họp chuyên đề của Thường vụ Quốc hội
Ngày 16/8, hai Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Đặng Hoàng Oanh đã tham gia các phiên thảo luận tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Đề xuất chế tài làm việc phục vụ cộng đồng với người có hành vi bạo lực gia đình
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu QH đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi BLGĐ. Ngoài ra, một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi BLGĐ; có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi “gián tiếp” gây ra BLGĐ. Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp tục quy định cụ thể các hành vi BLGĐ và rà soát, tiếp thu, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi BLGĐ tại khoản 1 Điều này trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu QH.
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi BLGĐ hiệu quả chưa cao. “Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi BLGĐ chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết”, bà Thúy Anh cho hay.
Theo đó, công việc phục vụ cộng đồng gồm: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; Tham gia các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. Thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho rằng, đây là biện pháp tốt, nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, do chưa có thí điểm, đánh giá cụ thể nên cần tiếp tục nghiên cứu có lộ trình để tổ chức thực hiện khả thi.
Ghi nhận việc bổ sung quy định này thể hiện sự tâm huyết, tìm tòi của Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, song Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý đây là vấn đề mới nên cần đánh giá kỹ hơn tác động. “Nên chăng cần có quy định trường hợp loại trừ vì ngay quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về cải tạo không giam giữ cũng nói không áp dụng với phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi, người già yếu, bệnh hiểm nghèo, khuyết tật nặng... nhưng trong 5 khoản nêu trong dự thảo thì không có loại trừ”, Chủ tịch QH lưu ý.
Theo Chủ tịch QH, đây có thể là biện pháp bổ sung khi cần thiết chứ hình thành chế tài như tòa tuyên sẽ khó thực hiện. Đồng thời, đề nghị xin thêm ý kiến đại biểu QH hoạt động chuyên trách trước khi trình QH xem xét thông qua.
Khắc phục tình trạng “cát cứ” trong điều tra cơ bản tài nguyên, khoáng sản
Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, về hợp đồng dầu khí, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu QH theo hướng quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; giao Bộ Công Thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đó, PVN ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí; đồng thời, bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách.
Còn loại ý kiến thứ hai nhấn mạnh hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nêu quan điểm hợp đồng dầu khí là quan trọng nhất, tất cả các tranh chấp đều liên quan đến hợp đồng. Đây là điều quyết định cho tất cả, nhà đầu tư chỉ biết hợp đồng, Chính phủ bị ràng buộc cũng chỉ bởi hợp đồng. “Với tầm quan trọng như vậy thì tôi nghĩ nên để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai bên cùng phê duyệt hai nấc, không biết phê duyệt cái gì cả, mất rất nhiều thời gian. Hoạt động dầu khí liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Công Thương không thể tự quyết được và quyết thì phải có hội đồng gì đấy. Phương án 2 là hợp lý”, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phân tích.
Về nội dung này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu thêm để thiết kế phương án phù hợp. Bởi phương án 1 có bất cập là chưa rành mạch thẩm quyền, chưa rõ trách nhiệm, nên chăng Thủ tướng phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng, còn phân cấp thì Luật quy định nguyên tắc cơ bản để Bộ Công Thương chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch QH cũng cho rằng, quy định liên quan đến việc quản lý tổng hợp về điều tra cơ bản dầu khí trong dự luật còn mờ nhạt. “Phải khắc phục được tình trạng “cát cứ” giữa các chủ thể trong điều tra cơ bản tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản”, Chủ tịch QH nhấn mạnh./.
Mai