Tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng

01/08/2022
Tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng
Ngày 29/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì phiên thẩm định đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi). Cùng dự có đại diện Cục Bổ trợ tư pháp, đơn vị được giao chủ trì xây dựng dự án Luật và các thành viên của Hội đồng thẩm định là đại diện của một số Bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có liên quan; đại diện của Sở Tư pháp một số tỉnh, thành phố; và đại diện của một số Hiệp hội công chứng viên.
Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau hơn 07 năm triển khai thực hiện, Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả, tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính và cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: (i) việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng chưa bảo đảm yêu cầu phân bố hợp lý, hoạt động ổn định và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ cho hoạt động hành nghề của công chứng viên; (ii) việc đồng thời tồn tại việc công chứng, chứng thực đối với các giao dịch, hợp đồng nhưng có quy định khác nhau về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện công chứng, chứng thực, có nguy cơ tạo rủi ro cho việc bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng được công chứng, chứng thực; (iii) trình tự, thủ tục công chứng còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người yêu cầu công chứng; (iv) hoạt động công chứng chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số...

Về cơ bản, nội dung Luật Công chứng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên một số quy định đang phát huy tác dụng trong thực tiễn về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Bên cạnh đó, nội dung dự án Luật lần này sẽ tập trung giải quyết 05 chính sách lớn gồm: Chính sách 1. Xác định lại khái niệm, nội hàm hoạt động công chứng, hành nghề công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên đúng với vai trò, bản chất của hoạt động này; Chính sách 2. Xây dựng đội ngũ công chứng viên và nhân viên nghiệp vụ có chất lượng cao, có số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển bền vững; Chính sách 3. Phát triển các tổ chức hành nghề công chứng phù hợp với nhu cầu, số lượng và sự phân bố công chứng viên, có mô hình tổ chức hoạt động phù hợp với tính chất của hoạt động công chứng và yêu cầu thực tiễn, có đủ năng lực để thực hiện tốt chức năng hỗ trợ quá trình hành nghề của công chứng viên; Chính sách 4. Quy định linh hoạt hơn về trình tự, thủ tục nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của hoạt động công chứng nội dung; tạo lập nền tảng pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng phù hợp với xu thế và yêu cầu của thời kỳ mới; Chính sách 5. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng, phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Các thành viên Hội đồng thẩm định đã tập trung thảo luận, xem xét cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề cụ thể: (i) sự cần thiết ban hành luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật; (ii) sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; (iii) tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật và tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng luật; (iv) tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (v) sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng luật; việc tuân thủ trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng luật. Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng cũng cho ý kiến đánh giá về 05 chính sách và một số nội dung cụ thể của dự kiến đề cương chi tiết Luật.

Trên cơ sở ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí với sự cần thiết thay thế Luật Công chứng năm 2014. Về nội dung của các nhóm chính sách, Thứ trưởng yêu cầu rà soát, chỉnh lý lại các nhóm mục tiêu, giải pháp của 05 chính sách được nêu trong Tờ trình đảm bảo thống nhất với Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công chứng và dự kiến đề cương chi tiết Luật.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trước khi trình Chính phủ.