Kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Công an

22/07/2022
Kiểm tra công tác thi hành pháp luật  về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Công an
Thực hiện Quyết định số 106/QĐ-BTP ngày 26/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2022 và Quyết định số 107/QĐ-BTP về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại một số Bộ, ngành, địa phương trong năm 2022, chiều ngày 20/7/2021, Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh - Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Công an. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm đại; Lãnh đạo và cán bộ một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Tổng cục Thi hành án dân sự.
Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra có đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị có chức năng xử lý vi phạm hành chính và các đơn vị có liên quan của Bộ Công an.
Tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Hoàng Oanh - Trưởng Đoàn kiểm tra đã nhấn mạnh về ý nghĩa và sự cần thiết của nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hoạt động thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Mục đích của việc kiểm tra là nhằm nắm bắt đầy đủ, xác thực thực trạng tình hình triển khai nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; làm rõ những ưu, nhược điểm, khó khăn, vướng mắc trong nội dung các quy định pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập; qua đó, đề xuất về những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính của Nhà nước; liên quan trực tiếp đến hoạt động hàng ngày của cá nhân, tổ chức; được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội hết sức quan tâm. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, những năm qua, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn đặc biệt coi trọng, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ, có hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý của Bộ Công an.
Cũng trong buổi làm việc, đại diện Bộ Công an đã có báo cáo về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong năm 2021 của Bộ Công an. Trên cơ sở báo cáo và kết quả kiểm tra một số hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Cục Cảnh sát giao thông trong các ngày 06, 07, 08/6/2022, thành viên Đoàn kiểm tra và đại diện các đơn vị của Bộ Công an đã cùng nhau trao đổi, phân tích để làm rõ những vấn đề còn vướng mắc trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm tính pháp chế trong hoạt động xử lý vi phạm hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; vấn đề áp dụng pháp luật về xử lý phạt phạm hành chính...
Kết luận sơ bộ tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng, các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an đều là những lĩnh vực có số lượng vi phạm hành chính xảy ra thường xuyên, liên tục với số lượng lớn, có lĩnh vực có tính chất “nhạy cảm” như lĩnh vực thuộc quản lý của Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả trong phạm vi toàn quốc. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện công tác này tại Bộ Công an cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục xử phạt, áp dụng pháp luật xử phạt vi phạm hành chính…, cần khẩn trương khắc phục, xử lý những tồn tại được nêu.
Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Bộ Công an để nghiên cứu, tổng hợp xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết./.
          Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.