Đề nghị xây dựng Luật khoáng sản: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng

07/07/2022
Đề nghị xây dựng Luật khoáng sản: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng
Ngày 07/07, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên thẩm định đề nghị xây dựng Luật khoáng sản. Đồng chí Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường – cơ quan được giao giúp Chính phủ chủ trì xây dựng dự thảo Luật cùng dự.
Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 được thông qua, công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẩn trương thực hiện. Luật Khoáng sản được ban hành và có hiệu lực là dấu mốc quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phát triển theo hướng bền vững; nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, đáp ứng nhu cầu khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế trước mắt cũng như lâu dài.
 
 
Trong phiên thẩm định,  đồng chí Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, trong bối cảnh tình hình đất nước đã có nhiều chuyển biến lớn về kinh tế - xã hội, đặc biệt, các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý và hoạt động của ngành địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đã từng bước được cụ thể hóa, trong đó nội dung cơ bản là bảo đảm thực hiện nguồn thu ngân sách nhà nước từ khoáng sản. Nhiều chế định pháp lý của Luật Khoáng sản không còn phù hợp với thực tế; một số quan hệ mới trong hoạt động khoáng sản phát sinh trong thực tiễn cần phải được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Trong khi một số Luật mới được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch…, một số Luật được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư…thì Luật Khoáng sản vẫn chưa được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ thống nhất giữa các Luật. Do đó việc xây dựng Luật Khoáng sản sửa đổi là rất cần thiết.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quan điểm trước đây, Luật Khoáng sản chỉ quy định phạm vi điều chỉnh về công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Do đó, trong giai đoạn này công tác điều tra cơ bản chủ yếu nhằm mục tiêu để tìm kiếm khoáng sản, định hướng cho công tác lập chiến lược, quy hoạch khoáng sản, trên cơ sở đó để cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhằm huy động nguồn lực tài nguyên khoáng sản để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong khi đó, địa chất là một ngành khoa học kỹ thuật tổng hợp, là khoa học về trái đất, khi điều tra địa chất về khoáng sản phải tiến hành điều tra, đánh giá toàn diện cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất. Kết quả của công tác điều tra địa chất được ứng dụng trong nhiều ngành kinh tế như: Điều tra địa chất đô thị, địa chất thủy văn - công trình phục vụ các ngành; Điều tra tai biến địa chất phục vụ phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu cho các ngành; Nghiên cứu về cấu trúc địa chất; lập bản đồ trường trọng lực, từ trọng lực phục vụ mục tiêu an ninh - quốc phòng… Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đổi tên gọi của dự án Luật thành “Luật Địa chất và Tài nguyên khoáng sản” cho phù hợp.
 
 
Phát biểu tại phiên thẩm định, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định, ý kiến của các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao và nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật khoáng sản sửa đổi. Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ thêm một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật và phải lượng hóa được số lượng các điều cần sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ các nội dung chính sách nào cần sửa đổi bổ sung để bảo đảm không giao thoa, trùng lấn với luật khác về phạm vi điều chỉnh
Về đối tượng áp dụng, Luật Khoáng sản hiện hành không quy định đối tượng áp dụng là địa chất - đây là vấn đề mới của dự thảo Luật khoáng sản sửa đổi. Do đó, cơ quan chủ trì xây dựng luật phải tiếp tục rà soát kỹ để đảm bảo không mâu thuẫn trùng lắp với các quy định của các luật khác như luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Xây dựng, Đất đai, Quy hoạch, Đấu thầu, Đấu giá tài sản, Doanh nghiệp, Lâm nghiệp, Ngân sách nhà nước, Di sản văn hóa…
Đối với 5 chính sách nêu trong đề nghị xây dựng dự thảo Luật, về cơ bản đã có trong Luật Khoáng sản hiện này, do đó, phải làm rõ chính sách nào được kế thừa, phát triển, chính sách nào được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới…
 
Đề xuất xây dựng dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi đưa ra 5 chính sách: Chính sách 1: Chính sách về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; Chính sách 2: Hoàn thiện chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản; chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; Chính sách 3: Hoàn thiện chính sách về khu vực khoáng sản; Chính sách 4: Hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm; Chính sách 5: Tài chính về địa chất, khoáng sản.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội khoá XV thảo luận đối với hồ sơ dự án xây dựng Luật Khoáng sản sửa đổi vào quý IV năm 2023 và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào quý I năm 2024.

An Như - Trung tâm Thông tin thực hiện