100% các địa phương đã tích hợp dịch vụ công về đăng ký khai sinh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia

09/06/2022
100% các địa phương đã tích hợp dịch vụ công về đăng ký khai sinh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Ngày 09/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã chủ trì Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quyết định số 149/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự Hội nghị có thành viên Tổ công tác và đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ được giao nhiệm vụ tại Đề án 06.
Gia tăng các Dịch vụ công mức độ 3, 4 của Bộ Tư pháp
Theo Báo cáo,  trong 06 tháng đầu năm 2022, Cục Công nghệ thông tin và Văn phòng Bộ đã phối hợp với các đơn vị thực hiện nâng cấp thêm 16 dịch vụ công từ mức độ 2 lên mức độ 3, 4, nâng tổng số dịch vụ công mức độ 3, 4 của Bộ lên 51 dịch vụ công (tăng gần 46% so với cuối năm 2021) và kết nối thêm 19 dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 39 dịch vụ công (tăng 95% so với cuối năm 2021).
Đối với 30 dịch vụ công của Bộ chưa kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hiện Văn phòng Bộ, Cục Công nghệ thông tin đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan (Cục Bổ trợ tư pháp - 19 dịch vụ công; Cục Bồi thường nhà nước - 03 dịch vụ công; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - 08 dịch vụ công) để thực hiện tái cấu trúc quy trình, xử lý kỹ thuật trước khi thực hiện quy trình kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
63/63 tỉnh/thành phố đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia
Đối với các thủ tục hành chính, dịch vụ công thiết yếu của Bộ Tư pháp, theo rà soát trên Cổng dịch vụ công quốc gia, về đăng ký khai sinh đạt 63/63 địa phương đã triển khai; đăng ký khai tử  có 51/63 địa phương đã triển khai; đăng ký kết hôn có 42/63 địa phương đã triển khai. Tính đến 06/6/2022, đã có 51/63 địa phương triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử.

Toàn cảnh Hội nghị
Về cấp phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã hoàn thành cung cấp 03 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết tại Bộ trên Cổng dịch vụ công của Bộ và tích hợp với Cổng dịch vụ Công quốc gia, trên cơ sở đó sẽ hướng dẫn các địa phương triển khai trong tháng 5/2022. Tại địa phương, đến nay đã có 63/63 tỉnh/thành phố đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo tiến độ được giao theo Đề án.
Về thực hiện liên thông các thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp cũng đã có Công văn tham gia ý kiến đối với nội dung tái cấu trúc quy trình liên thông các Thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp Thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng mai táng phí trên môi trường điện tử.
Đối với các nhiệm vụ khác, các đơn vị chuyên môn của Bộ đã, đang thực hiện theo tiến độ, lộ trình được giao.
Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện duy trì kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu điện tử
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn duy trì kết nối, chia sẻ. Theo đó, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cung cấp các thông tin đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp số định danh cá nhân cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Trong đó, xác định rõ nguyên tắc thông tin cá nhân khi đăng ký khai sinh là thông tin gốc. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phối hợp triển khai việc kết nối, chia sẽ dữ liệu khai từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính.

Đồng chí Phạm Đức Dụ, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin
Về triển khai nhiệm vụ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã xây dựng, phát hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, tỉnh/thành phố rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp cũng đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát pháp luật triển khai định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin cá nhân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID (trong đó tổng hợp báo cáo kết quả của 9/22 Bộ, cơ quan ngang bộ và 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)  theo đúng tiến độ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg và Thông báo số 70/TB-VPCP.
Trong năm 2022, sẽ tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia
Ngoài các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình của Đề án được ban hành theo Quyết định số 149/QĐ-BTP, 6 tháng cuối năm các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ sau: Triển khai Dự án đầu tư Hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp; Trình, phê duyệt Dự án đầu tư Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch; Phối hợp với Bộ Công an trong việc trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nâng cấp hoàn thiện Cổng dịch vụ công; Tích hợp, cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia được hoàn thành trong năm 2022; Nghiên cứu, đề xuất nguồn lực thực hiện việc nâng cấp, kết nối các cơ sở dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Xây dựng quy trình hướng dẫn địa phương rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ  liệu giữa dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư đảm bảo đúng quy định của pháp luật, làm cơ sở cho Tổ công tác triển khai Đề án tại địa phương chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã rà soát và thống nhất cách thức xử lý dữ liệu; Tiếp tục đôn đốc các địa phương cung cấp hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ địa phương trong việc kết nối Hệ thống một cửa với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Chánh Văn phòng Bộ
Đảm bảo hạ tầng cho triển khai các ứng dụng của Bộ, Ngành và Đề án 06
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Cục Công nghệ thông tin – đơn vị thường trực Tổ công tác và các đơn vị triển khai Đề án 06, đồng thời điểm lại một số kết quả quan trọng mà Bộ đã đạt được trong bối cảnh biên chế bị cắt giảm, nguồn lực tài chính eo hẹp.  
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 06, Thứ trưởng đề nghị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức một cách sâu sắc về ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai thực chất và hiệu quả các công việc trong Bộ, Ngành, trong từng đơn vị. Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, theo đó:
Cục Công nghệ thông tin tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ, lộ trình của Đề án; Triển khai Dự án Đầu tư Hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ một cách hiệu quả, đúng quy định, tiến độ đề ra để đảm bảo hạ tầng cho triển khai các ứng dụng của Bộ, Ngành nói chung và Đề án 06 nói riêng...
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực triển khai hiệu quả, đúng quy định Dự án Xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng của công chức tư pháp địa phương; Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc thẩm định, trình phê duyệt ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử; Văn phòng Bộ tiếp tục bám sát mục tiêu, chủ trì đôn đốc các đơn vị triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022. Vụ Tổ chức cán bộ tiếp tục quan tâm đến vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức về công nghệ thông tin; Cục Kế hoạch – Tài chính bố trí nguồn lực phù hợp theo yêu cầu của các đơn vị nhằm triển khai tiết kiệm, hiệu quả các nhiệm vụ được giao của Đề án 06./.
Thực hiện An Như