Tham dự buổi làm việc có ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án. Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ Trưởng Bộ Tư pháp; Ông Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các Thành phố, huyện, xã trên địa bàn tỉnh và đại diện các sở, ban ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận, trao đổi về kết quả cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện đề án.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “dân giám sát, dân thụ hưởng” đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thực hiện nội dung của đề án.
Được biết, trước đó để đánh giá kết quả tốt nhất, sáng cùng ngày Đoàn công tác do ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát thực tế tại địa phương về kết quả thực hiện phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tại UBND xã Tam Phước, huyện Long Điền.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Các chương trình mục tiêu quốc gia, các hoạt động văn hoá, xã hội được triển khai thực hiện tốt, công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên.
Công tác cải cách hành chính, tiếp dân, giải quyết những bức xúc trong nhân dân, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí luôn được các ngành, các cấp chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, dân chủ được mở rộng, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong nhân dân.
Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” các phường, xã thị trấn trên địa bàn tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện quy chế dân chủ gắn với công tác phê bình và tự phê bình, tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức, quan điểm, lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống của hầu hết các cán bộ ở cơ sở.
Qua đó, đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch và vững mạnh.
Cũng nhờ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra không khí dân chủ cởi mở hơn trong từng loại hình cơ quan, đơn vị cơ sở cũng như trong toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị. Quyền làm chủ trực tiếp của người dân được tôn trọng, mở rộng, đặc biệt là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân.
Việc thực hiện nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng” cho thấy ý thức trách nhiệm phục vụ của nhân dân, của cấp chính quyền, phong cách “trọng dân”, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân được chú trọng. Qua đó, người dân ngày càng tin tưởng vào hoạt động của bộ máy chính quyền và thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của công dân.