Thẩm định Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCH Việt Nam và Vương quốc Thái Lan

19/05/2022
Thẩm định Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCH Việt Nam và Vương quốc Thái Lan
Thực hiện Quyết định số 794/QĐ-BTP ngày 12/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thẩm định dự thảo Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Thái Lan, Điều 20 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, chiều ngày 18/5, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Hội đồng thẩm định do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm chủ tịch đã họp thẩm định dự thảo Hiệp định nêu trên.
Việt Nam và Thái Lan là hai nước ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào 6/2013 và Đối tác Chiến lược tăng cường  vào 3/2015. Theo đó, hai Bên đã ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2014-2018, bao trùm toàn bộ 21 lĩnh vực hợp tác song phương, đa phương và đang chuẩn bị ký Chương trình Hành động giai đoạn 2022- 2026. Hai Bên đã xây dựng và triển khai một cách hiệu quả các cơ chế hợp tác như họp Nội các chung cấp Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Ủy ban hỗn hợp thương mại, Đối thoại cấp cao an ninh - quốc phòng, Nhóm công tác chung về hợp tác chính trị an ninh… Để tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực, hai Bên đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác. Việc ký kết Hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho hai nước trong hợp tác về tư pháp pháp luật hỗ trợ cơ quan tư pháp giải quyết các vụ việc dân sự liên quan đến cá nhân, tổ chức hai nước, qua đó bảo vệ quyền, lợi ích của các bên, đồng thời cũng để thực hiện chương trình Đối tác chiến lược giai đoạn mới.
Sau 02 vòng đàm phán trực tuyến năm 2020 và 2021, đoàn đàm phán Chính phủ của hai nước đã thống nhất toàn bộ nội dung dự thảo Hiệp định. Dự thảo Hiệp định gồm 7 chương và 29 điều, quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp dân sự giữa cơ quan có thẩm quyền hai Bên, Hiệp định còn điểu chỉnh cả việc công nhận và cho thi hành bản án của toà án, phán quyết của trọng tài hai nước trên lãnh thổ của nhau.
Tại phiên họp thẩm định, các thành viên Hội đồng đã xem xét, đánh giá dự thảo Hiệp định theo các nội dung được quy định tại Điều 20 Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Các thành viên đều thống nhất nhận định dự thảo Hiệp định không trái Hiến pháp năm 2013, phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan, tương thích với các điều ước quốc tế về cùng một lĩnh vực mà Việt Nam là thành viên, các quy định của dự thảo Hiệp định đủ rõ, đủ chi tiết để có thể áp dụng trực tiếp, không cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới để thực hiện, dự thảo Hiệp định hoàn toàn đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền cho phép ký. Bên cạnh đó, các thành viên cũng đánh giá cao chất lượng hồ sơ trình đề xuất ký Hiệp định mà Bộ Tư pháp đã chuẩn bị.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch hội đồng nhất trí với các ý kiến của thành viên Hội đồng, yêu cầu Vụ Pháp luật quốc tế - đơn vị đề xuất thẩm định hoàn thiện hồ sơ đề xuất ký Hiệp định trình Chính phủ. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ Pháp luật quốc tế trao đổi thêm với cơ quan đầu mối của phía Thái Lan thống nhất một số quy định tại dự thảo Hiệp định như thực hiện tương trợ tư pháp bằng phương thức điện tử, điều kiện đối với việc cung cấp bổ sung thông tin đối với yêu cầu tương trợ tư pháp để đảm bảo sau khi Hiệp định được ký và có hiệu lực các điều khoản sẽ được áp dụng một cách thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan tư pháp của cả hai Bên.
Phòng tư pháp quốc tế và Tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế