Công bố kiện toàn Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp

28/04/2022
Công bố kiện toàn Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp
Chiều nay (28/4), Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã dự và trao quyết định công bố kiện toàn Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp.
Tại buổi Lễ, các đại biểu tham dự đã nghe công bố kết quả bầu bổ sung Ban Chấp hành Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp và kiện toàn chức danh Chi hội trưởng, Phó Chi hội trưởng.
Theo đó, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã bầu bổ sung 3 thành viên Ban Chấp hành Chi hội nhiệm kỳ 2019-2024, gồm Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lê Tuấn Phong; kiện toàn chức danh Chi hội trưởng (Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh) và Phó Chi hội trưởng (Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội).
Các đại biểu cũng nghe công bố các quyết định kiện toàn tổ chức của Chi hội. Cụ thể, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã ban hành các Quyết định: số 01/QĐ-CHLG về việc thành lập Ban Tổ chức - Hành chính thuộc Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp; số 02/QĐ-CHLG về việc thành lập Ban Nghiên cứu, xây dựng pháp luật thuộc Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp; số 03/QĐ-CHLG về việc thành lập Ban Truyền thông thuộc Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp. Các Ban có thành viên là những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng Ban, mục đích để giúp Ban Chấp hành Chi hội hoạt động hiệu quả.
Sẽ đóng góp vào các công việc chuyên môn của Bộ Tư pháp
Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp cho biết, ngay sau khi được kiện toàn, các hội viên Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp đã trao đổi và nhất trí ban hành kế hoạch công tác năm 2022 của Chi hội, trong đó tập trung vào nhiệm vụ xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học, giám sát việc thực hiện pháp luật; công tác tuyên truyền và giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Để Chi hội có các hoạt động thể hiện tính độc lập, vai trò của mình, Chi hội đã đề xuất với Ban Chỉ đạo Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” hỗ trợ 2 hoạt động: hoạt động “Tổ chức truyền thông một số các chính sách pháp luật về an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo” (Hoạt động này phù hợp với Kết quả 1 của Văn kiện dự án: Nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về quyền và cách thức thực hiện các quyền phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam) và hoạt động “Tổ chức hội thảo về kết nối hoạt động sự nghiệp của ngành Tư pháp với các chính sách an sinh xã hội” (Lĩnh vực hoạt động sự nghiệp của ngành Tư pháp thực hiện chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, việc tạo sự kết nối giữa lĩnh vực hoạt động sự nghiệp của ngành Tư pháp với các chính sách an sinh xã hội sẽ giúp các đối tượng dễ dàng tiếp cận hơn các chính sách an sinh xã hội, hiểu và thực hiện quyền thụ hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật).
Thời gian tới, ông Cù Thu Anh nhấn mạnh, Ban Chấp hành Chi hội sẽ tích cực chủ động chỉ đạo các Ban triển khai các hoạt động theo Kế hoạch đã thống nhất, phát huy vai trò của Chi hội trong việc đóng góp vào các công việc chuyên môn của Bộ Tư pháp.
Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp tập trung vào nhiệm vụ xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học, giám sát việc thực hiện pháp luật như tổ chức hoặc tham gia các hội nghị đóng góp ý kiến vào các dự án Luật sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới theo đề nghị của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước những vấn đề về xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật.
Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp cũng tiếp tục chú trọng đến công tác tuyên truyền và giáo dục chính trị tư tưởng cho Hội viên; triển khai quán triệt kịp thời Chương trình Hành động của Đảng đoàn Hội luật gia Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Chương trình số 27-Ctr/ĐĐ ngày 22/6/2021); triển khai thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Hội Luật gia Việt Nam; quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác của Hội, đặc biệt là các chỉ đạo của Đảng sau khi tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam; tham gia tổ chức tuyên truyền bằng hình thức phù hợp gắn với các ngày lễ lớn của đất nước và của Bộ, ngành Tư pháp.
Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đến tận người dân và hộ gia đình một cách thiết thực và hiệu quả như xây dựng các video giới thiệu về chính sách pháp luật, chính sách an sinh xã hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa; tổ chức triển khai Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 – 2027” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Để đảm bảo các hoạt động của Chi hội đạt hiệu quả hơn nữa, ông Cù Thu Anh đề xuất Ban cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp phân công Lãnh đạo Bộ phụ trách Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp; chỉ đạo chính quyền phối hợp, hỗ trợ các hoạt động do Chi hội phát động, thực hiện.
Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp cũng kiến nghị Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm về kinh phí hoạt động của Chi hội. Đối với các văn bản gửi cho các tổ chức chính trị - xã hội thì đồng thời gửi cho Chi hội Luật gia; mời Chi hội Luật gia tham dự các cuộc họp với các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.
Cần có nhiều hoạt động thể hiện “màu cờ sắc áo” của Chi hội
Lắng nghe báo cáo và các đề xuất, kiến nghị từ Chi hội, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ niềm vui đến tham dự buổi Lễ công bố kiện toàn Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2019-2024 và chúc mừng các thành viên được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Chi hội, chúc mừng Chi hội đã kiện toàn chức danh Chi hội trưởng, Phó Chi hội trưởng.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, công tác của Trung ương Hội Luật gia và Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp có nhiều hoạt động gắn liền với công việc thường ngày của Bộ Tư pháp nên cơ hội phát triển của Chi hội là rất rộng mở. Quan trọng là Chi hội phải định hướng công việc, giải pháp triển khai để công tác của Chi hội ngày càng đạt nhiều kết quả.
Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các thành viên Ban Chấp hành Chi hội, các Ban giúp việc của Chi hội phải nỗ lực làm việc, phát huy trách nhiệm của từng thành viên. Đồng thời yêu cầu Chi hội cần đề ra các hoạt động thể hiện được “màu cờ sắc áo” của Chi hội, rà soát lại danh sách hội viên, làm thẻ hội viên để thu hút hội viên tham gia vào các hoạt động của Chi hội.
Theo Thứ trưởng, Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức rất đặc biệt, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, trong quá trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, nhất là Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 56 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp nghiên cứu sâu sắc các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ liên quan đến công tác hội luật gia, phân công nhiệm vụ cho các Ban giúp việc trong bối cảnh sắp tới sẽ có nhiều cơ hội phát triển khi Chỉ thị mới được ban hành thay thế cho Chỉ thị 56.
Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu Chi hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và ngược lại, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ cần tạo điều kiện cho Chi hội hoạt động, giao khoán một số công việc để Chi hội khẳng định được vai trò của mình. Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của Chi hội, Thứ trưởng cho rằng có thể nghiên cứu đưa Chi hội Luật gia vào nhóm các tổ chức đoàn thể, hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động của Chi hội và nhấn mạnh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm vì sự nghiệp chung khi tham gia vào công tác chi hội.
                  Thục Quyên – An Như