Sáng 25/4, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ về định hướng xây dựng Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân (Đề án). Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cùng dự.
Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Vụ PBGDPL) Lê Vệ Quốc cho biết, để thực hiện nhiệm vụ, Vụ PBGDPL đã tham mưu Lãnh đạo Bộ thành lập Ban soạn thảo, Tổ giúp việc xây dựng Đề án; rà soát các văn bản có liên quan; chủ động nghiên cứu để xây dựng dự thảo Đề án. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu còn có nhiều ý kiến khác nhau về cách tiếp cận, phạm vi của Đề án.
Theo đó, có 2 cách hiểu về “tiếp cận pháp luật”, cụ thể: cách tiếp cận thứ nhất được hiểu là việc người dân được tiếp cận đầy đủ, toàn diện từ thông tin pháp luật đến các quyền, lợi ích hợp pháp và sử dụng các quyền, lợi ích hợp pháp đó trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Với phạm vi này, mục tiêu của Đề án được xác định, bao gồm: Tạo thói quen và nâng cao khả năng tiếp cận với các thông tin pháp luật; Xây dựng môi trường pháp lý từ chính sách, thể chế, cơ chế vận hành, các thiết chế bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiếp cận công lý…, cơ sở vật chất để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân cũng như việc sử dụng quyền, lợi ích đó hợp pháp trong các tình huống pháp lý diễn ra trong đời sống.
Cách tiếp cận thứ hai là việc người dân tiếp cận với các thông tin pháp luật một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời, thuận lợi. Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân nghĩa là nâng cao khả năng từ tiếp cận thông tin pháp luật đến kỹ năng sử dụng, khai thác thông tin pháp luật đó theo nhu cầu của người dân. Với phạm vi này, mục tiêu của Đề án được xác định gồm: Hỗ trợ, trang bị các kỹ năng về tiếp cận, tìm hiểu, sử dụng thông tin, kiến thức về pháp luật; Bảo đảm tính thông suốt, kịp thời, hiệu quả trong triển khai các cơ chế, hoạt động, tạo môi trường, điều kiện thuận tiện về tiếp cận thông tin pháp luật (cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ thông tin) nhằm nâng cao năng lực cho người dân trong tiếp cận các thông tin, kiến thức pháp luật được kịp thời, đầy đủ, chính xác, thuận lợi.
Đa số ý kiến trong cuộc họp thống nhất với cách tiếp cận thứ 2 để đảm bảo tính khả thi, cũng như các nguồn lực trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị đơn vị chủ trì rà soát lại các chương trình, đề án liên quan đến tiếp cận pháp luật để nghiên cứu và thống nhất về tên gọi, đồng thời từ cơ sở kinh nghiệm quản lý thực tiễn, xem xét những vấn đề nào còn thiếu để đưa vào điều chỉnh trong Đề án. Trên cơ sở Báo cáo, Bộ trưởng đề nghị Vụ tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể, trong đó có đề cập đến nội dung như: tiếp tục tăng cường, năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; sự chủ động tìm hiểu pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm của cơ quan nhà nước cùng quyền khiếu nại, kiểm tra, giám sát của người dân đối với các cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ…