Ngày 22/03, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Bảng Tiêu chí chấm điểm, xếp hạng thi đua của Bộ, ngành Tư pháp. Hội nghị diễn ra dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến trong 01 ngày. Điểm cầu chính tại trụ sở Bộ Tư pháp và các điểm cầu tại các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ, các Sở Tư pháp trên cả nước.
Bảng Tiêu chí đánh giá, chấm điểm và xếp hạng thi đua Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Tư pháp triển khai xây dựng từ năm 2012 và là một trong những Bộ, ngành đầu tiên triển khai hoạt động này. Trong 10 năm qua, công tác đánh giá, chấm điểm, xếp hạng thi đua đối với Sở Tư pháp và cơ quan Thi hành án dân sự các địa phương đã được Bộ Tư pháp triển khai thực hiện và đi vào nề nếp.
Đối với Khối các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, mặc dù 34 đơn vị thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, tuy nhiên, trong 03 năm gần đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Bảng Tiêu chí đánh giá, chấm điểm, xếp hạng thi đua các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phù hợp, đáp ứng được yêu cầu về chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác, đồng thời là một công cụ quan trọng, hiệu quả để đánh giá, hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý của Bộ Tư pháp.
Trên cơ sở kế thừa từ Bảng Tiêu chí năm 2021, Bảng Tiêu chí năm 2022 có một số điểm mới cho phù hợp hơn như:
Dự thảo Phụ lục năm 2022 sửa đổi nội dung về cách tính điểm đánh giá, xét xếp hạng thi đua, theo đó bỏ quy định về cách tính tổng điểm chấm là cơ sở để xét khen thưởng như hiện nay, thay vào đó vẫn quy định 02 vòng chấm: Tự chấm điểm của đơn vị thuộc Bộ để đối chiếu, so sánh, tham khảo và tổng điểm chấm của Lãnh đạo Bộ và của Ban Tư vấn thẩm định cho đơn vị thuộc Bộ là căn cứ để đánh giá, xét xếp hạng thi đua – đối với đơn vị thuộc Bộ; Điểm tự chấm của Sở Tư pháp để đối chiếu, so sánh, tham khảo và tổng điểm của các đơn vị thuộc Bộ chấm cho Sở Tư pháp là căn cứ để đánh giá, xếp hạng thi đua – đối với các Sở Tư pháp.
Về cơ cấu đánh giá, xếp hạng đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp năm 2022, dự thảo giữ nguyên 04 mức hạng: Xuất sắc, Tốt, Trung bình, Yếu, tuy nhiên nâng tổng số điểm đạt được để xét xếp hạng ở mỗi mức hạng lên 5,0 điểm (hạng Xuất sắc từ 195 điểm trở lên; hạng Tốt từ 185 đến dưới 195 điểm; hạng Trung bình từ 175 đến dưới 185 điểm; hạng Yếu: dưới 175 điểm)…
Đối với hạng Xuất sắc trong khối các đơn vị thuộc Bộ: dự thảo Phụ lục vẫn giữ nguyên về tỷ lệ tối đa không quá 30% tổng số đơn vị được chấm điểm, xếp hạng theo thứ tự từ điểm số cao đến điểm số thấp;
Đối với hạng xuất sắc trong khối các Sở Tư pháp: Dự thảo Phụ lục bỏ quy định về tỷ lệ tối đa không quá 30% tổng số đơn vị được chấm điểm, xếp hạng theo thứ tự từ điểm số cao đến điểm số thấp. Việc xếp hạng xuất sắc năm 2022 được tính trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ và điểm xét xếp hạng của các Sở Tư pháp theo quy định.
Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất quan điểm công tác thi đua, khen thưởng là một trong những biện pháp quan trọng trong quản lý và điều hành hoạt động của từng đơn vị, thúc đẩy các hoạt động chuyên môn. Thi đua khen thưởng kịp thời được xem là động lực để thúc đẩy cá nhân và tập thể tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Theo đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, mặc dù Bảng Tiêu chí chấm điểm thi đua các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã có sự phân nhóm tương đối các nhiệm vụ, tuy nhiên để có mặt bằng chung so sánh giữa các đơn vị vẫn là một thách thức vì trên thực tế số lượng nhiệm vụ được giao, độ khó của nhiệm vụ được giao, số lượng nhiệm vụ phát sinh được giao và số lượng biên chế tham gia nhiệm vụ là khác nhau…Bên cạnh đó, đồng chí Chánh Văn phòng Bộ cũng cho rằng, để đánh giá, xếp loại đối với một đơn vị đảm bảo tính khách quan, công tâm cần bỏ ra nhiều thời gian để thu thập tài liệu, phân tích, đánh giá để chứng minh kết quả xếp hạng đối với mỗi đơn vị, trong khi thời gian chấm điểm vào vào cuối năm, khối lượng công việc ngày càng nhiều, có quá nhiều việc cần ưu tiên thời gian thực hiện…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang nhất trí với nội dung Bảng tiêu chí và cách đánh giá, chấm điểm, xếp hạng thi đua các Sở Tư pháp. Trong đó có nội dung về việc bổ sung tiêu chí về việc “thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp do cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao năm 2022”; cũng như bỏ quy định về cách tính tổng điểm chấm là cơ sở để xếp hạng, xét khen thưởng; bỏ quy định về tỷ lệ tối đa không quá 30% tổng số đơn vị được chấm điểm, xếp hạng theo thứ tự từ điểm số cao đến điểm số thấp đối với hạng Xuất sắc là rất phù hợp.
Các đại biểu dự Hội nghị cũng đánh giá cao dự thảo Bảng Tiêu chí năm 2022, nhất trí với các điểm mới điều chỉnh tại Bảng Tiêu chí chấm điểm. Đồng thời chia sẻ thực tiễn kinh nghiệm từ việc tổ chức chấm điểm thi đua, xếp hạng hệ thống cơ quan tư pháp tại địa phương, những khó khăn trong quá trình thực hiện cũng như đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện dự thảo.
Nhấn mạnh lại tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ, việc ban hành Bảng Tiêu chí đánh giá, chấm điểm và xếp hạng thi đua của Bộ, Ngành Tư pháp được Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các Bộ, ban, ngành khối Nội chính Trung ương đánh giá cao, là điểm sáng của Khối và góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng của Bộ, ngành Tư pháp, gắn công tác thi đua, khen thưởng với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.
Thứ trưởng nhận định, trong thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng được các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp hết sức quan tâm, tích cực, chủ động, phối hợp với Vụ Thi đua – Khen thưởng. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất và góp phần thúc đẩy nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp. Thứ trưởng đánh giá cao các ý kiến phân tích, đánh giá, đề xuất các giải pháp hoàn thiện Bảng Tiêu chí thi đua tại Hội nghị. Trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với cách đánh giá, chấm điểm của dự thảo Bảng Tiêu chí năm 2022 cũng sự đổi mới, điều chỉnh trong cách chấm điểm của Bảng Tiêu chí năm 2022 cho phù hợp hơn.
Ghi nhận các ý kiến đề xuất tại Hội nghị như: Nâng tỷ lệ đánh giá xuất sắc lên cao hơn – đối với khối các đơn vị thuộc Bộ (hiện theo dự thảo là 30%), bỏ quy định về tỷ lệ tối đa không quá 30% tổng số đơn vị được chấm điểm, xếp hạng theo thứ tự từ điểm số cao đến điểm số thấp đối với hạng xuất sắc – đối với các Sở Tư pháp và nhiều đề xuất khác… Thứ trưởng đề nghị Vụ Thi đua – Khen thưởng tổng hợp đầy đủ, tiếp tục nghiên cứu để đề xuất Lãnh đạo Bộ….
Thực hiện An Như – Trung tâm Thông tin