Chiều 20/1, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực năm 2022. Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh.
Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch
Trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã nỗ lực triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ đúng theo kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, về lĩnh vực hộ tịch, Cục đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Tính đến tháng 12/2021, tất cả cơ quan đăng ký hộ tịch tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chính thức áp dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp. Cục cũng chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đăng ký hộ tịch cho người di cư, người dân tộc thiểu số, trẻ em di cư và trẻ em là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại một số tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng biên giới.
Về lĩnh vực quốc tịch, Cục đã tổ chức 06 đoàn khảo sát đánh giá tình hình người không quốc tịch, người chưa xác định được quốc tịch; tổ chức 02 lớp tập huấn một số nội dung cơ bản của Quyết định số 402/QĐ-TTg liên quan đến vấn đề quốc tịch và hộ tịch và hướng dẫn việc sử dụng biểu mẫu rà soát cho cán bộ, công chức làm công tác liên quan thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp – hộ tịch… Trong năm 2021, Bộ Tư pháp cũng đã trình Chủ tịch nước giải quyết 4.472 hồ sơ liên quan đến lĩnh vực quốc tịch, giảm 275 hồ sơ so với năm 2020; thực hiện việc tra cứu quốc tịch cho hơn 2.278 trường hợp để làm cơ sở cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cấp Hộ chiếu Việt Nam (tăng 1.185 trường hợp, tương đương 108% so với cùng kỳ năm 2020).
Về lĩnh vực chứng thực, Cục đã xây dựng, chỉnh lý và hoàn thiện Báo cáo tổng kết 06 năm thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng, chỉnh lý hoàn thiện tài liệu tập huấn nghiệp vụ chứng thực và tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp của các địa phương…
Trong năm 2022, Cục sẽ tập trung nguồn lực triển khai Dự án đầu tư công về xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, bảo đảm sớm đi vào vận hành đồng bộ với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, bảo đảm sớm đi vào vận hành đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo cơ sở để mở rộng phạm vi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Kịp thời hướng dẫn địa phương xử lý các vấn đề liên quan đến công tác hộ tịch
Biểu dương các kết quả mà Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đạt được trong năm, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh các hoạt động trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã tạo thuận lợi cho người dân. Bộ trưởng đánh giá cao việc tất cả cơ quan đăng ký hộ tịch trên cả nước đã chính thức áp dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp. Cục đã linh hoạt, chủ động đơn giản hoá một số thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ cho Sở Tư pháp các địa phương…
Bộ trưởng đề nghị thời gian tới, trong bối cảnh chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong năm 2021 để kịp thời hướng dẫn các cấp chính quyền địa phương xử lý các vấn đề xảy ra liên quan đến hộ tịch, không để đứt đoạn, vướng mắc. Tập trung nguồn lực, triển khai Dự án đầu tư công về xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc sớm đi vào vận hành đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; báo cáo lãnh đạo các địa phương cho phép số hoá các giấy tờ bằng văn bản trong lĩnh vực này; kịp thời cấp số định danh cá nhân. Đồng thời đề nghị Bộ công an lưu tâm, chỉ đạo Công an địa phương phối hợp cùng với cán bộ hộ tịch – tư pháp chỉnh lý lại các sai lệch số liệu; thống nhất có buổi làm việc giữa lãnh đạo hai Bộ để làm rõ hơn về các vấn đề này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long lưu ý cần tăng cường thanh tra chuyên ngành; đảm bảo trình độ, tiêu chuẩn của công chức tư pháp – hộ tịch theo yêu cầu của pháp luật; cân nhắc việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của đội ngũ thực hiện công tác hộ tịch… Bộ trưởng yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng để giải quyết công văn, giấy tờ liên quan đến thôi/nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xử lý vấn đề quốc tịch của người di cư tự do từ Campuchia về nước trên cơ sở đảm bảo tính chất chính trị, pháp lý…
Phương Mai