Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị” trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu làm Trưởng đoàn.
Làm việc với Đoàn về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh, Mai Lương Khôi. Cùng dự có Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh, Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ.
Một yếu tố quyết định đối với công tác xây dựng đảng
Phát biểu mở đầu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, phạm vi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) rất rộng, nhiều nội dung khác nhau nên 5 đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương sẽ làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương có những mô hình, đặc thù khác nhau nên cần đánh giá đầy đủ, toàn diện sau 15 năm thực hiện Nghị quyết.
Theo ông Lê Tiến Châu, trong 15 năm qua có nhiều văn bản, nghị quyết, chỉ thị, kết luận ở Trung ương quy định liên quan đến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhờ đó bước đầu chúng ta đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, so với mục tiêu là khá tích cực.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là phải liên tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, ở mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm có những yêu cầu khác nhau. Trung ương, mà đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng vừa qua, đã đánh giá vẫn còn những hạn chế. Trong đó đã chỉ rõ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị có mặt còn lúng túng; cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Vì vậy, Trung ương đề ra nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết nhằm hướng tới đích đến là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Trên cơ sở này, Ban Chỉ đạo Đề án tổ chức các đoàn khảo sát cùng với báo cáo của các cơ quan, đơn vị để lấy nguyên liệu gốc. Từ đó, ông Lê Tiến Châu mong muốn các đại biểu phát biểu thẳng thắn, có trách nhiệm về những mô hình hay, cách làm sáng tạo, kinh nghiệm, chỉ ra những hạn chế, bất cập có đề xuất kiến nghị để trao đổi với Đoàn, cung cấp Ban Chỉ đạo đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết: Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ và giải pháp đề ra, cơ bản đạt được các mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa X đã đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; xây dựng hệ thống chính trị của Bộ, ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, đã xác định rõ tầm quan trọng của việc phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xem đây là một trong những yếu tố quyết định đối với công tác xây dựng đảng.
Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Tư pháp luôn quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương và cấp trên về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nghiên cứu triển khai nhiều cách làm phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tổ chức đảng các cấp theo hướng gần dân, sát dân. Thực hiện sửa đổi, bổ sung quy định, quy chế theo hướng đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, giữa cấp ủy với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trong Bộ.
Tập trung xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn 2007-2021 đều bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách tư pháp, xuất phát từ nhu cầu khách quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vũ mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ và bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao trong từng thời kỳ, không vì lợi ích cục bộ của Bộ, ngành Tư pháp…
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng thẳng thắn nêu lên một số khuyết điểm như nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tuy có đổi mới nhưng chưa được nhiều; thực hiện chức năng phản biện xã hội có lúc còn lúng túng… Tại cuộc làm việc, Ban Cán sự Đảng Bộ đề nghị Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, từ đó ban hành Nghị quyết mới thay thế; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Đồng thời, chỉ đạo có cơ chế, chính sách để các cơ quan, đơn vị chủ động, thuận lợi trong việc xây dựng đội ngũ chuyên gia, đáp ứng yêu cầu quản lý ngày càng cao, có chế độ, chính sách ưu đãi đối với cán bộ làm công tác pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là rất quan trọng, bảo đảm sự sống còn của Đảng. Tại Bộ Tư pháp, Ban Cán sự Đảng và các tổ chức đảng, cụ thể là Đảng ủy Bộ Tư pháp đã có quy chế hoạt động làm việc và phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng; lãnh đạo đầy đủ thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn…
Nêu một số bài học kinh nghiệm của Bộ, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng đó là phải quán triệt nhanh các Nghị quyết của Đảng, tập trung vào những nội dung liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành; lãnh đạo qua người đứng đầu, đảng viên; thống nhất một đầu mối hoặc liên tịch ban hành chương trình hành động, triển khai các Nghị quyết của Đảng nhằm tạo sự nhất quán, tương đối đầy đủ về nội dung để dễ theo dõi, giám sát…
Dịp này, Bộ trưởng đề xuất, khi chuẩn bị các Nghị quyết của Đảng cần kỹ lưỡng và có sự tham mưu đầy đủ của các cơ quan liên quan; nội hàm các Nghị quyết nên có độ dài phù hợp, có tiến độ hợp lý trong thực hiện nhằm bảo đảm đồng nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, theo Bộ trưởng, những nội dung đúng đắn thì phải có quyết tâm chính trị để thực hiện cũng như đánh giá, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 18, 19 liên quan đến tổ chức, bộ máy.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn Lê Tiến Châu đánh giá báo cáo phục vụ buổi làm việc của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đã cụ thể hoá thành các nhiệm vụ để lãnh đạo, chỉ đạo. Nổi bật là việc triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa X rất bài bản, toàn diện; tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận có chất lượng, qua đó đề cao vị trí, vai trò, chức năng của Bộ, ngành Tư pháp trên tinh thần khẩn trương, trách nhiệm hơn; thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên nhiều lĩnh vực, trong đó đã tham mưu đầy đủ, chặt chẽ các văn bản về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và thường xuyên nằm trong nhóm đầu các cơ quan làm tốt công tác cải cách hành chính…
Đồng tình và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà Bộ Tư pháp báo cáo, ông Lê Tiến Châu cũng ghi nhận các kiến nghị và sẽ báo cáo đến Ban Chỉ đạo để cuộc khảo sát hiệu quả, đóng góp vào Đề án chung. Không khí buổi làm rất khẩn trương nhưng ông gửi lời cảm ơn những kinh nghiệm, bài học, cách làm của Bộ góp phần hữu ích cho hoạt động của Đoàn.