Chiều 11/1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (THADS).
Đối với Luật Thi hành án dân sự, Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật THADS đã bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản (khoản 2 Điều 55, khoản 2 Điều 57) tồn tại song song với cơ chế ủy thác thi hành án theo quy định pháp luật hiện hành.
Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ chiều 11/1, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Trần Thị Phương Hoa cho biết: Việc bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản xuất phát từ vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự thường phải xử lý rất nhiều tài sản. Trong đó, có vụ việc bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý hàng trăm tài sản để bảo đảm thi hành án, nhưng tài sản đó lại nằm ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Đặc biệt là trong các vụ việc thi hành án đối với các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và tín dụng, ngân hàng.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) mới chỉ quy định cơ chế ủy thác thi hành án (ủy thác toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ thi hành án) mà chưa có cơ chế ủy thác xử lý tài sản để xử lý đồng thời tại các địa phương khác nhau. Theo quy định trên, để thực hiện việc ủy thác thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới thực hiện việc ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản tại địa phương khác tiếp tục tổ chức thi hành.
Như vậy, theo quy định trên thì cơ quan thi hành án dân sự không được quyền xử lý đồng thời tài sản đã được tuyên trong bản án, quyết định (kể cả thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế) và cũng không thể ủy thác cho cơ quan thi hành án nơi có tài sản xử lý mà phải thực hiện theo thứ tự (xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới được ủy thác đến nơi có tài sản xử lý tiếp).
Hệ quả là gây ách tắc, kéo dài quá trình tổ chức thi hành án, chậm thu hồi tiền, tài sản (nhất là khoản thu rất lớn cho ngân sách nhà nước, tổ chức tín dụng); ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án khi không được bảo đảm kịp thời; giảm giá trị tài sản; nhiều trường hợp mất mát, hư hỏng; đương sự tẩu tán tài sản; tốn kém thời gian; phát sinh chi phí tổ chức thi hành án, phát sinh thêm khoản tiền lãi chậm thi hành án mà người phải thi hành án sẽ phải chịu, chưa kể làm tăng thủ tục, chậm cải cách hành chính trong thi hành án dân sự.
Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự đã quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản, cụ thể: Việc ủy thác xử lý tài sản được thực hiện trong trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau.
Cùng với việc quy định rõ căn cứ, Luật cũng đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản như: Thực hiện việc ủy thác và nhận ủy thác xử lý tài sản; hồ sơ ủy thác; căn cứ để cơ quan nhận ủy thác áp dụng các trình tự, thủ tục xử lý tài sản; việc chuyển số tiền thi hành án thu được cho cơ quan nơi ủy thác thực hiện việc thanh toán tiền cho những người được thi hành án; quy định trách nhiệm của cơ quan nơi ủy thác và cơ quan nhận ủy thác; việc dừng xử lý tài sản trong trường hợp đã thu được số tiền đủ để thi hành án và các chi phí liên quan…
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Trần Thị Phương Hoa, với việc bổ sung quy định về ủy thác xử lý tài sản nêu trên sẽ tạo cơ chế cơ quan thi hành án dân sự có thể xử lý đồng thời các tài sản của người phải thi hành án ở nhiều địa phương khác nhau; góp phần quan trọng vào việc rút ngắn thời gian và xử lý có hiệu quả tài sản thi hành án; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền; đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Lê Sơn
baochinhphu.vn