Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Các vấn đề pháp lý phát sinh do dịch bệnh COVID – 19 cần phải rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện, thích ứng với tình hình mới là một trong những nhiệm vụ đặt lên vai ngành Tư pháp những trách nhiệm hết sức nặng nề. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực nhưng ngành đã tập trung kịp thời phối hợp với các cơ quan tham mưu Chính phủ, chính quyền các cấp xây dựng, hoàn thiện các văn bản liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch bệnh.
Ở cấp huyện, nhìn vào thống kê văn bản ban hành cho thấy, tăng nhiều so với năm 2020 phần nào cho thấy tình hình KTXH, nhất là tác động của dịch bệnh Covid-19 làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý cần phải kịp thời có những quy định điều chỉnh; nhiều văn bản cũng được ban hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và điều hành phát triển KTXH ở năm đầu nhiệm kỳ mới.
Cũng trong năm 2021, chất lượng công tác thẩm định VBQPPL tiếp tục được nâng cao, tiến độ được bảo đảm. Bên cạnh các khía cạnh pháp lý, nội dung thẩm định đã tập trung đánh giá tác động của các quy định tới đời sống KTXH, nhất là ở những quy định liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân, quyền tự do kinh doanh, đơn giản hóa TTHC nhằm thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi hơn.
Nổi bật nhất trong công tác soạn thảo có thể kể đến là "chùm" hơn 30 nghị định về xử lý vi phạm hành chính và "chùm" 30 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành; đặc biệt, có một số văn bản thẩm định phải tập trung khẩn trương hoàn thành theo yêu cầu của Chính phủ để kịp thời ban hành các quy định ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Công tác kiểm tra VBQPPL tiếp tục vào cuộc kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; kết luận kiểm tra chính xác; nhiều văn bản trái pháp luật đã được xử lý dứt điểm, Công tác rà soát VBQPPL được thực hiện thường xuyên và có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tập trung nguồn lực tiếp tục thực hiện rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp 2022, những nỗ lực của Bộ Tư pháp trong phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương được đánh giá một cách thẳng thắn, toàn diện. Các bộ, ngành địa phương đều chung nhân định Bộ Tư pháp đã tích cực, tham mưu hiệu quả cho Chính phủ về pháp lý trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Tư pháp đã làm việc liên tục để rà soát, đánh giá sự phù hợp với các quy định và pháp luật và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Cho đến nay, cơ bản đã có hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Bộ, ngành Tư pháp đã hỗ trợ hoàn thành 47 văn bản quy phạm pháp luật liên quan, trong đó có nhiều vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ; đã phối hợp với một số Bộ, ngành có liên quan tập trung xử lý các vụ việc vướng mắc kéo dài; triển khai các văn bản quy phạm pháp luật bài bản, chặt chẽ; tham mưu xây dựng, khẩn trương triển khai hai chính sách lớn, nhất là chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Những con số ấn tượng
Trong điều kiện khó khăn, nhưng các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp vẫn giữ nhịp, đặc biệt là trong việc giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Năm 2021, chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật thuộc Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 06 bậc. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng thực chất, hiệu quả ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức với nhiều hình thức phong phú. Trong đó, Lễ tôn vinh “Gương sáng pháp luật” là điểm nhấn, lan tỏa về những tấm gương cống hiến, hy sinh trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Công tác hòa giải ở cơ sở với tỉ lệ hòa giải thành đạt gần 80% trong số hơn 110.000 vụ việc được tiếp nhận trong cả nước đã góp phần giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn, trong nội bộ nhân dân, giúp ổn định trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở. Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật gắn kết chặt chẽ hơn với công tác xây dựng pháp luật.
Bộ và các Sở Tư pháp đã cấp được tổng số hơn 555.000 phiếu lý lịch tư pháp; Các Trung tâm đăng ký đã giải quyết hơn 1.000.000 yêu cầu, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh.
Công tác giải quyết bồi thường nhà nước được quan tâm thực hiện; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm ; không ngừng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, nhất là trong việc yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhiều kết quả tích cực. Trong năm, có hơn 6.200.000 hợp đồng, giao dịch được công chứng, gần 25.000 cuộc bán đấu giá thành và các luật sư đã thực hiện gần 70.000 vụ việc giúp bảo đảm an toàn pháp lý và tăng nguồn thu cho ngân sách. Năm 2021, các Trung tâm trợ giúp pháp lý trên toàn quốc đã tham gia hơn 33000 vụ việc tố tụng (chiếm gần 86% tổng số vụ việc, tăng hơn 20% so với năm 2020).
Công tác pháp luật quốc tế, đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực; Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp tiếp tục được kiện toàn. Chất lượng nhân lực tư pháp, pháp luật tiếp tục được nâng cao. Bộ Tư pháp, đã tổng kết 05 năm thực hiện Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận kết quả và đồng ý cho xây dựng 02 đề án mới để tiếp tục thực hiện đến năm 2030. Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Tập trung tham mưu giải quyết các vấn đề pháp lý phòng chống dịch bệnh Covid-19
Năm 2022, dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức; dự báo sẽ tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp trong điều hành phát triển KTXH cả ở trung ương và địa phương. Trong bối cảnh chung đó, bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các định hướng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp; thể hiện trong các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổng kết và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tư pháp xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tham mưu thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Tập trung tham mưu về công tác thể chế và giải quyết các vấn đề pháp lý đảm bảo thực hiện Chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển KTXH trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội Đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi).
Tổ chức thi hành hiệu quả VBQPPL, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và “chùm” Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công tác này, nhất là việc theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số trong công tác này; đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật từ khâu xây dựng dự thảo để tạo sự đồng thuận xã hội.
Mặc dù đại dịch Covid-19 gây trở ngại trên nhiều mặt, nhưng các cơ quan THADS đã nỗ lực thi hành được trên 493.971 vụ với trên 45.700 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Kết quả thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, đã thi hành xong 445 việc (tăng 92 việc so với năm 2020).
Công tác đăng ký hộ tịch được thực hiện kịp thời và ngày càng thuận tiện cho người dân; đến nay đã có trên 6.4 triệu dữ liệu hộ tịch điện tử được chia sẻ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trên 2.7 triệu Thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thông qua liên thông thủ tục hành chính điện tử. Đã kịp thời trình Chủ tịch nước giải quyết gần 5000 hồ sơ về công tác quốc tịch.
Ngay khi tình hình COVID-19 được kiểm soát, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố tổ chức Lễ giao nhận con nuôi cho 91 gia đình thuộc 8 nước châu Âu.