Gắn triển khai công tác tư pháp với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

21/12/2021
Gắn triển khai công tác tư pháp với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao
Theo báo cáo, năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội (KTXH) nói chung và việc triển khai công tác tư pháp nói riêng, nhưng toàn Ngành đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bối cảnh tình hình KTXH của đất nước và của từng địa phương. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng đầu tư nguồn lực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; công tác xử lý văn bản trái pháp luật được thực hiện quyết liệt, góp phần bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật; công tác rà soát VBQPPL được triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời, trách nhiệm. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật được thực hiện hiệu quả hơn, đặc biệt trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở đã có nhiều đổi mới trong tư duy, cách làm; nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đã được Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương chú trọng, nổi bật là thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật đối với một số lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp: thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hành chính tư pháp; pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật... trong bối cảnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp tiếp tục được nâng cao. Công tác xây dựng Ngành, đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học pháp lý; việc thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Ngành được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực. Những kết quả nêu trên đã tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác tư pháp, pháp chế trong năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, có thể kể đến như: Số liệu về kết quả hoạt động khá nhiều lĩnh vực giảm so với năm 2020. Tình trạng chậm ban hành văn bản tuy đã có bước khắc phục nhưng đến nay số văn bản chậm ban hành vẫn còn; chất lượng một số VBQPPL của các bộ, ngành, địa phương còn thấp; công tác PBGDPL ở một số bộ, ngành, địa phương chưa có trọng tâm, trọng điểm...
Tiếp tục phát triển bền vững
Cũng theo báo cáo,nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2022: Tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tiếp tục tham gia hiệu quả trong việc xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành và tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tham mưu thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Tập trung tham mưu về công tác thể chế và giải quyết các vấn đề pháp lý đảm bảo thực hiện Chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển KTXH trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội Đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi).
 
 
Tổ chức thi hành hiệu quả VBQPPL, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và “chùm” Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công tác này, nhất là việc theo dõi, đôn đốc việc xử lý văn bản trái pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản của các bộ, ngành, địa phương. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số trong công tác này; đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật từ khâu xây dựng dự thảo để tạo sự đồng thuận xã hội.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự khi được Quốc hội thông qua. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS và các quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu THADS được Quốc hội giao năm 2022 trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19. Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Triển khai thực hiện Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp; tăng cường phân công, phân cấp, phân quyền trong các cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và cá thể hóa trách nhiệm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện quyết liệt các giải pháp để tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về đào tạo pháp luật và xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng hoàn thiện pháp luật; chủ động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; quan tâm phát triển hiệu quả, chất lượng hoạt động trọng tài, hòa giải thương mại; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng. Phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu công chứng viên Việt Nam lần thứ hai. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tập trung giải quyết các vấn đề quốc tịch cụ thể phát sinh trong thực tiễn. Nâng cao hiệu quả công tác TGPL, nhất là công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng. Tích cực tham mưu với Chính phủ trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp phức tạp trong hoạt động đầu tư quốc tế. Thúc đẩy và khai thác hiệu quả quan hệ hợp tác trên cả ba bình diện toàn cầu, khu vực và song phương, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh quan quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, láng giềng và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác khác.
Tập trung, nâng cao chất lượng nguồn lực bảo đảm tiến độ xây dựng, chất lượng các dự án công nghệ thông tin, đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2021 -2026 và năm 2022. Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp. Tập trung nguồn lực xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Các địa biểu tham dự Hội nghị đã được lắng nghe một số Báo cáo chuyên đề về kinh nghiệm triển khai một số lĩnh vực công tác tư pháp trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; Báo cáo chuyên đề về việc tham mưu, đề xuất của cơ quan tư pháp đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19…