Chiều ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định Hồ sơ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Cùng dự Hội đồng có đồng chí Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và các thành viên Hội đồng thẩm định.
Báo cáo tại Hội đồng đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, Luật Thanh tra 2010 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đến nay Luật Thanh tra chưa có những quy định cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013, cụ thể như Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành TW khóa 12 yêu cầu: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của Kiểm toán nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành TW khóa 12 chỉ rõ nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành, của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đặt ra yêu cầu đối với ngành Thanh tra thực hiện hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Mặt khác, qua quá trình triển khai thực hiện, Luật Thanh tra 2010 đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết, nhằm thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra trong quản lý nhà nước.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 120 điều, cụ thể như sau: Chương I. Những quy định chung; Chương II. Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước; cơ quan thanh tra chuyên ngành; Chương III. Thanh tra viên; Chương IV. Hoạt động thanh tra; Chương V. Thực hiện Kết luận thanh tra; Chương VI. Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; Chương VII. Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra và Chương VIII. Điều khoản thi hành.
Tại Hội đồng thẩm định các đại biểu đã tập trung tham gia thảo luận, phân tích, góp ý nhiều vấn đề trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) liên quan đến sự cần thiết; đối tượng và phạm vi điều chỉnh; sự phù hợp của nội dung chính sách với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi... của dự thảo Luật.
Góp ý kiến tại Hội đồng, đại diện Bộ Nội vụ cho biết: Bộ Nội vụ cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), tuy nhiên theo đại diện Bộ Nội vụ Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) nên bỏ Chương Thanh tra nhân dân, bởi lẽ Chương này của Luật Thanh tra chưa được áp dụng trên thực tế mà các chủ thể thường áp dụng theo quy định của Luật Dân chủ cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Do vậy, đại diện Bộ Nội vụ nhất trí với phương án không quy định về thanh tra nhân dân trong Dự thảo luật và kiến nghị Chính phủ đưa nội dung thanh tra nhân dân vào Dự án Luật Dân chủ ở cơ sở đang được soạn thảo.
Còn đại diện Bộ Lao động, Thương binh và xã hội nhận định: Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đồng thuận với quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như việc đề cao vai trò và trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, cũng góp ý cụ thể đối với một số nội dung liên quan đến ngành Lao động, Thương binh và xã hội.
Sau khi nghe các ý kiến của thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết, Thứ trưởng đánh giá cao Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và điều chỉnh các vấn đề trong nội dung dự thảo Luật theo góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định từ những cuộc họp trước. Đối với hồ sơ dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Thứ trưởng lưu ý cơ quan chủ trì soạn cân nhắc việc bổ sung báo cáo Chính phủ nhằm giải trình sự khác nhau giữa phạm vi điều chỉnh và các chính sách đã được Chính phủ thông qua; đề nghị thống nhất với Bộ Nội vụ phương án báo cáo Chính phủ về vấn đề thanh tra nhân dân. Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể đối với vấn đề thanh tra chuyên ngành, tổ chức của cơ quan thanh tra... Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát tổng thể các nội dung của dự thảo Luật với Luật xử lý vi phạn hành chính, Luật quản lý thuế, Luật bảo vệ môi trường, Luật chứng khoán, Bộ luật lao động...; đồng thời, rà soát việc thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.