Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

19/11/2021
Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam
Ngày 18/11, Bộ Tư pháp (được sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam) đã tổ chức Tập huấn và Hội thảo tham vấn “Các giải pháp thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam”. Tập huấn và Hội thảo tham vấn được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và Thanh Hóa và trực tuyến qua ứng dụng Zoom tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số địa phương khác. Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, bà Ann Måwe, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam và ông Patrick Havernman, Phó Đại diện Thường trú, UNDP Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc Tập huấn và Hội thảo tham vấn.
Chủ trì Tập huấn và Hội thảo tham vấn là ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp và bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng Đại diện, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam.
Tham dự trực tiếp tai Tập huấn và Hội thảo tham vấn có đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cá nhân có quan tâm như Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Người mù Hà Nội, Hội Người Khuyết tật Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động, Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Luật Hà Nội... Đồng thời, Tập huấn và Hội thảo tham vấn còn có sự tham dự trực tuyến của một số Đại sứ quán, Lãnh sự quán như Thụy Điển, Anh, Thụy Sỹ; đại điện các Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội tại các địa phương.
Tập huấn về thực hành kinh doanh có trách nhiệm được tổ chức vào buổi sáng. Các đại biểu được nghe PGS. TS. Lê Quang Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững, Trường Đại học Kinh tế quốc dân và PGS.TS. Nguyễn Bá Bình – Trưởng Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày các bài tham luận về Giới thiệu hướng dẫn của Liên hợp quốc về thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm (UNGP); Giới thiệu về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; và Giới thiệu khung pháp lý của Việt Nam về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu đã tham gia Hội thảo tham vấn về Giới thiệu kinh nghiệm quốc tế về ban hành Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệmdo TS. Harpreet Kaur, chuyên gia, UNDP Châu Á, Thái Bình Dương giới thiệu. Bà Lưu Hương Ly, Phó Trưởng phòng, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cũng đã giới thiệu vềĐề án Ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Ngoài ra, Hội thảo tham vấn được nghe 04 bài tham luận vềĐánh giá thực tiễn thi hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại tỉnh Thanh Hóa do ông Lê Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa trình bày; bài tham luận về Kinh doanh và thu hút đầu tư chất lượng cao của ông Đới Sỹ Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa; Kinh doanh và quyền của người tiêu dùng của ông Trương Văn Diệp, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Thanh Hóa và Kinh doanh và Kinh doanh và quyền của các nhóm yếu thế của ông Hà Đình Bốn, Phó Trưởng Ban Giám sát, Tư vấn bảo vệ quyền trẻ em, Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam.
Đồng thời, các đại biểu cũng đã trao đổi về một số vấn đề liên quan như hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ quyền của người khuyết tật; thực tiễn giải quyết một số vụ việc trong vi phạm quy định của pháp luật về người tiêu dùng; ưu đãi của Nhà nước đối với những doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm; kinh nghiệm của các quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam trong việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm... Các đại biểu đều cho rằng bên cạnh việc nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm thì việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thì hành pháp luậtđóng vai trò hết sức quan trọng.
Kết thúc Tập huấn và Hội thảo tham vấn, bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng Đại diện, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của việc Tập huấn và Hội thảo tham vấn trong việc nâng cao nhận thức cũng như thu thập ý kiến của các đối tượng có liên quan trong việc đánh giá và từ đó đưa ra giải pháp, kiến nghị để xây dựng, hoàn thiện Báo cáo đánh giá về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Đồng thời, đại diện UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ quan của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Tư pháp để thực hiện các hoạt động tiếp theo.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của UNDP tại Việt Nam và sự tham gia của các đại biểu tham dự, đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tổ chức Tập huấn và Hội thảo tham vấn nhằm một mặt nâng cao năng lực và nhận thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam; mặt khác, các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự trực tuyến cũng như trực tiếp sẽ giúp cơ quan chủ trì xây dựng Đề án và các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan có thêm thông tin đánh giá toàn diện thực tiễn thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm và xây dựng Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2023 bảo đảm chất lượng, hiệu quả.