“Mắc nhất là giải quyết hồ sơ cán bộ”
Giải thích về việc không cho cải chính các dữ liệu về ngày, tháng, năm sinh đã ghi trong giấy khai sinh đối với những trường hợp là cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang mà hồ sơ đã ổn định về ngày tháng, năm sinh, bà Lương Thị Lanh, Trưởng phòng Quản lý hộ tịch, Vụ Hành chính Tư pháp dẫn chứng: nhiều cán bộ, tất cả hồ sơ đều thống nhất về dữ liệu, thì bất ngờ, xuất hiện một giấy khai sinh cũ từ thời… xa xưa. “Nếu yêu cầu tất cả hồ sơ đó phải điều chỉnh theo giấy khai sinh thì cực kỳ phức tạp, rắc rối, trong khi do tồn tại của lịch sử nhiều giấy khai sinh không chính xác”, bà Lanh nói.
Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm nói trên, ông Nguyễn Am Hiểu, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế lại cho rằng, việc cải chính là cần thiết và bản chính giấy khai sinh là căn cứ pháp lý gốc buộc các giấy tờ khác phải tuân theo. “Đừng cho rằng hồ sơ ổn định mà… ngại”, ông Hiểu nói và dứt khoát “nếu sai thì phải sửa”.
Đại diện Bộ Nội vụ cũng đồng ý với quan điểm này, và dẫn ra nhiều trường hợp cải sửa hồ sơ cán bộ rất phức tạp, đặc biệt trong những thời điểm “nhạy cảm”. Ông cho rằng, sự chính xác của các dữ liệu trong bản chính giấy khai sinh phải được tôn trọng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng ý với Tổ biên tập vì xuất phát từ thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp hồ sơ sai lệch so với bản chính giấy khai sinh và việc điều chỉnh các loại giấy tờ tùy thân, hồ sơ, học bạ… mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí có nhiều ngành (như giáo dục) coi đây không phải là trách nhiệm của mình. Nhiều trường hợp bế tắc không thể điều chỉnh.
Các quy định về đăng ký kết hôn: thoáng hơn nhiều
Một trong những quy định này là “mở” cho công dân có thể đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú (hiện Nghị định 158 về đăng ký và quản lý hộ tịch chỉ cho đăng ký kết hôn tại nơi đăng ký thường trú)
“Có những người sinh ra ở miền Bắc, nhưng học tập, lao động, sinh sống ở tận miền Nam, nếu cứ buộc họ phải quay về nơi đăng ký thường trú thì sẽ rất phiền hà, tốn kém”. Bà Lương Thị Lanh nêu thực tế và cho biết thêm “Nghị định 158 hiện hành cũng đã cho phép đăng ký khai sinh ở nơi tạm trú của người mẹ, và quy định này rất thuận lợi cho dân”.
“Cho đăng ký ở nơi tạm trú sẽ không có ý nghĩa vì hai bên nam nữ vẫn phải quay về nơi cư trú trước kia để lấy giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”, một đại diện Bộ Tư pháp nêu ý kiến. Vị này tỏ ra lo lắng vì “cởi một đầu nhưng đầu kia vẫn bó thì không tác dụng”
Tuy nhiên, từ người làm thực tế công tác hộ tịch, đại diện Phòng Hộ tịch trong nước, Sở Tư pháp Hà Nội lại ủng hộ cao quy định nói trên. Ông này phân tích: theo quy định tại Điều 10 Nghị định 158/CP thì người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký việc nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay.... Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền. Trên thực tế, đại diện này cho biết: việc lấy giấy xác nhận tình trạng hôn nhân với những người thường trú một nơi nhưng tạm trú nơi khác lâu nay vẫn thực hiện theo quy định ủy quyền nêu trên. Vì vậy theo vị này, cho đăng ký ở nơi tạm trú sẽ thuận lợi hơn cho công dân.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng - Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Nghị định nêu rõ: việc sửa đổi lần này chỉ tập trung vào các vấn đề thực sự bức xúc, cần thiết, trên tinh thần là tạo thuận lợi nhất cho người dân và hạn chế tối đa những thủ tục rườm rà, không cần thiết. Còn việc sửa đổi toàn diện Nghị định 158, Thứ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội để đưa vào xây dựng Luật Hộ tịch trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
Huy Hoàng
Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi đăng ký tạm trú của hai bên nam nữ, thì UBND cấp xã nơi đăng ký kết hôn có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã, nơi hai bên nam nữ đăng ký thường trú để biết…
(Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 158/2005/NĐ-CP) |