Góp ý dự thảo báo cáo chuyên đề của Chính phủ về công tác pháp luật

19/11/2021
Góp ý dự thảo báo cáo chuyên đề của Chính phủ về công tác pháp luật
Ngày 19/11, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp với một số Bộ, ngành góp ý dự thảo báo cáo chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Dự thảo Báo cáo gồm 3 phần: Phần thứ nhất đánh giá thực trạng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, tập trung đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực: tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, pháp luật về cán bộ, công chức, công vụ; bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, y tế và an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; hội nhập quốc tế.
Đồng thời, đánh giá về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật dựa trên các khía cạnh bao gồm: tính toàn diện, đồng bộ, tính thống nhất, phù hợp, khả thi, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật; đánh giá về trình độ lập pháp.
Về thực trạng công tác tổ chức thi hành pháp luật, dự thảo Báo cáo đã nêu lên những kết quả đạt được trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết; công tác rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa pháp luật; công tác PBGDPL, phát triển hệ thống thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với hệ thống pháp luật; công tác bảo đảm các điều kiện về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, ngân sách và các điều kiện khác cho việc thi hành pháp luật…
Phần thứ hai của dự thảo Báo cáo nêu lên quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Trong đó, đánh giá các yếu tố tác động đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới; quan điểm, mục tiêu; phương hướng giai đoạn từ nay đến năm 2030, giai đoạn 2031-2045.
Về nhiệm vụ giải pháp chung bao gồm: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; các giải pháp về điều kiện bảo đảm.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật gồm: nhóm giải pháp nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao tính khả thi và hiệu quả; chất lượng của công tác dự báo trong xây dựng pháp luật; nhóm giải pháp tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình, cách thức xây dựng pháp luật.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức thi hành pháp luật gồm: đổi mới và nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết, công tác rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa pháp luật; đổi mới và nâng cao chất lượng của công tác PBGDPL, phát triển hệ thống thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với hệ thống pháp luật; thường xuyên thực hiện việc theo dõi, đôn đốc thi hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đảm bảo các điều kiện về nhân lực, ngân sách và các điều kiện khác cho việc tổ chức thi hành pháp luật…
Phần thứ ba của dự thảo Báo cáo nêu lên các đề xuất, kiến nghị.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã góp ý về cấu trúc dự thảo báo cáo; cách thức tiếp cận vấn đề; đánh giá bối cảnh, xác định các mục tiêu, phương hướng, giải pháp đến năm 2045; các kiến nghị, đề xuất; tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Báo cáo với các báo cáo chuyên đề khác…
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành rà soát kỹ để đảm bảo thống nhất các nội dung và điều chỉnh cơ cấu của Dự thảo báo cáo cho hợp lý.
Đối với việc đánh giá thực trạng pháp luật theo từng lĩnh vực, cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trong đó lưu ý cần bám sát mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Thứ trưởng lưu ý cần cân đối giữa nội dung về xây dựng, hoàn thiện pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Trong tổ chức thi hành pháp luật, cần xác định rõ các nguyên nhân khiến công tác này vẫn còn hạn chế như: một số quy định pháp luật mâu thuẫn chồng chéo, tính khả thi thấp, chi phí tuân thủ cao; chế tài chưa nghiêm; khâu giải thích pháp luật còn yếu; ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức chưa cao… Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu cần đánh giá sát bối cảnh, mục tiêu, quan điểm để có giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn: từ nay đến năm 2030 và giai đoạn 2031-2045.
Bảo Ngọc