Rà soát nội dung các chính sách về tài nguyên nước để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật

01/11/2021
Rà soát nội dung các chính sách về tài nguyên nước để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu trong phiên họp thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi) ngày 02/11.

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đến nay. Qua gần 9 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được việc đưa các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước đối với công tác quản lý tài nguyên nước, phù hợp với quy định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên đến nay, Luật đã bộc lộ những bất cập, bên cạnh đó hệ thống pháp luật hiện nay có nhiều thay đổi nên khiến cho nhiều quy định của luật không còn tương thích với các văn bản hiện hành.

 
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì xây dựng đề nghị, Tài nguyên nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, thiết yếu và cấp bách trong tình hình hiện nay. Do vậy xây dựng Luật sửa đổi nhằm quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, đặc biệt là đảm bảo an ninh nước cho sinh hoạt, hướng đến chỉ số bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; chủ động nguồn nước trong mọi tình huống, nâng cao khả năng tiếp cận số lượng, chất lượng nước để duy trì sinh kế, đời sống con người, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước, phòng chống thảm họa thiên tai liên quan đến nước, bảo tồn hệ sinh thái, đảm bảo quốc phòng và an ninh với chi phí hợp lý thông qua việc thực hiện đổi mới thể chế, chính sách có tính chất then chốt.
Đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi đưa ra 4 chính sách đó là: Bảo đảm an ninh tài nguyên nước; Về xã hội hóa ngành nước; Tài chính về tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác.
 

Tại phiên họp, các thành viên hội đồng thẩm định đã cho ý kiến đánh giá về sự cần thiết của việc xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, sự hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất, sự phù hợp, tương thích với các văn bản quốc tế mà Việt Nam là thành viên và việc tuân thủ thủ tục hành chính…
Trên cơ sở Hồ sơ trình tại phiên họp và ý kiến đánh giá của các thành viên hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhất trí sự cần thiết xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi. Về 04 chính sách, Thứ trưởng nhận định, các chính sách này là các chính sách lớn, việc thể hiện còn chung chung, nên cần phải cụ thể hóa hơn nữa. Bên cạnh đó, các nội dung này liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật, ở giai đoạn lập đề nghị xây dựng thì các chính sách này chưa thể hiện sự chồng chéo, mâu thuẫn. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo văn bản sẽ có thể phát hiện ra các nội dung chồng chéo, mâu thuẫn. Do đó, cơ quan chủ trì xây dựng cần rà soát kỹ để không trái với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Hội đồng, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ để đủ điều kiện trình Chính phủ.
An Như – Trung tâm Thông tin