Bộ máy giúp thực hiện công tác bồi thường: Cần sớm được thành lập, kiện toàn

08/03/2011
Chiều 7/3, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc với Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế và các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về Đề án “Thành lập đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp và kiện toàn thuộc Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế để giúp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường”.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, sau hơn 1 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu vì chưa được bảo đảm các điều kiện cần thiết về tổ chức bộ máy và biên chế cho công tác quản lý nhà nước về bồi thường. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn về quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường. Đây lại là một nhiệm vụ mới, có tính chuyên sâu, độc lập với các nhiệm vụ hiện hành và phải phối hợp liên ngành. Việc chưa có một đơn vị độc lập và biên chế chuyên trách đã không tạo điều kiện cho Bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Tương tự, các Bộ ngành khác cũng chưa bổ sung biên chế và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho tổ chức pháp chế triển khai nhiệm vụ này.

Ở địa phương, Sở Tư pháp được giao nhiệm vụ tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Nhưng do cũng chưa có hướng dẫn về tổ chức bộ máy và biên chế nên các địa phương đều lúng túng trong bố trí cán bộ và xác định đơn vị trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về bồi thường nên chưa đáp ứng được yêu cầu tham mưu. ”Nếu như công tác quản lý nhà nước không được bảo đảm sẽ dẫn tới tình trạng giải quyết bồi thường tại địa phương không kịp thời, chính xác và đúng pháp luật”, ông Tịnh nói.

Bên cạnh đó, tổng hợp từ báo cáo của 43 địa phương cho thấy, chỉ trong năm đầu triển khai Luật đã gia tăng đột biến số vụ việc yêu cầu bồi thường với 308 đơn. Dự báo, trong thời gian tới sẽ còn phức tạp hơn khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 cho phép khởi kiện vụ án hành chính đối với hành vi, quyết định quản lý hành chính về đất đai từ năm 2006. Ông Tịnh nhấn mạnh: Vì vậy, cần phải kịp thời thiết lập các điều kiện bảo đảm về tổ chức bộ máy và biên chế để bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trên. Cụ thể, trong dự thảo Đề án xác định sẽ thành lập Cục Bồi thường nhà nước thuộc Bộ Tư pháp, có khoảng 3 phòng chuyên môn. Đối với Sở Tư pháp, Đề án dự kiến giao cho phòng hiện có của Sở phụ trách về công tác theo dõi thi hành pháp luật và bổ sung ít nhất 2 biên chế chuyên trách. Riêng tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Đề án đề nghị thực hiện theo kế hoạch triển khai Nghị định thay thế Nghị định số 122.

Tại buổi làm việc chiều qua, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ như Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính, Văn phòng … tán thành việc thành lập Cục Bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, theo một số ý kiến như của Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến, chuyên gia Dương Thị Thanh Mai thì nên xây dựng Đề án trong cái nhìn tổng thể, tính luôn đến cả tổ chức pháp chế Bộ ngành để có đầu mối triển khai công việc.

Phải đồng bộ từ Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ ngành đến các Sở Tư pháp cũng là quan điểm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Đồng tình với việc thành lập Cục Bồi thường nhà nước nhưng Bộ trưởng cho rằng, mặc dù Bộ đang trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 122 nhưng biên chế thực hiện nhiệm vụ này vẫn phải được xác định rõ trong Đề án, từ 1 - 2 cán bộ tùy từng Bộ ngành. Đối với Sở Tư pháp, theo Bộ trưởng, việc Nhà nước giải quyết bồi thường cho tổ chức, cá nhân nên xếp vào vụ việc hành chính bởi đây là giải quyết vụ việc cụ thể, không hẳn liên quan nhiều tới thể chế. “Nên chăng giao cho Phòng Hành chính tư pháp của Sở Tư pháp và tập trung kiện toàn Phòng Hành chính tư pháp”, Bộ trưởng đề nghị.

Hoàng Thư