Bộ Tư pháp họp báo công tác tư pháp quý III năm 2021

22/10/2021
Bộ Tư pháp họp báo công tác tư pháp quý III năm 2021
Lần đầu tiên, Bộ Tư pháp sẽ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong cả nước vì có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội. Đây là thông tin được Bộ Tư pháp nhấn mạnh tại buổi họp báo công tác tư pháp Quý III/2021 và nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2021. Buổi họp báo do Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì.
Thông tin tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong Quý III năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và công tác tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hội nghị mang ý nghĩa quan trọng nhằm mục tiêu tiếp tục rà soát, thống nhất đánh giá, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng như xác định mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ thời gian tới.
 

Toàn cảnh buổi họp báo
 
Trong Quý III năm 2021, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư, các Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Kế hoạch 18 – KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Chỉ thị 04 của Ban Bí thư trong Bộ, ngành Tư pháp. Hội nghị đã nghe quán triệt Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và triển khai Chương trình hành động của Tổng cục THADS về phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm về Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và đánh giá kết quả xếp hạng chỉ số CCHC năm 2020. Theo báo cáo tại Tọa đàm, tổng số điểm Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2020 là 94.02/100 điểm. So sánh tổng quan có thể thấy rằng, năm 2020 là năm thứ năm liên tiếp Bộ Tư pháp tăng giá trị điểm và là năm thứ ba liên tiếp trong nhóm ba bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ. 
Về công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát VBQPPL, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội các Báo cáo: Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021; Báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành quy định chi tiết năm 2021; Báo cáo về công tác tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với: 44 dự án, dự thảo và 09 đề nghị xây dựng VBQPPL…
 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi
 
Về công tác thi hành án dân sự, hành chính: Kết quả THADS tính đến hết ngày 30/9/2021, đã thi hành xong hơn 480.000 vụ việc với trên 34 nghìn tỷ đồng; trong công tác theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong 455 bản án. Các cơ quan thi hành án hành chính đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm chức năng theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án.
Đặc biệt, trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2021, đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp sẽ tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong cả nước đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, góp phần lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm Cổng Thông tin điện tử quốc gia về Phổ biến, giáo dục pháp luật - kênh phổ biến, giáo dục pháp luật thân thiện, tiện ích và phù hợp với đối tượng người dùng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
 

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Nguyễn Thị Thu Hòe
 
Trên các lĩnh vực công tác: Về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; công tác pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế; đào tạo bồi dưỡng…đạt những kết quả tích cực.
Từ này đến hết năm 2021, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII liên quan đến công tác tư pháp, pháp luật; Tham gia có hiệu quả trong xây dựng Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện các dự án trình Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV; tích cực hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 1, Kỳ họp thứ 2; Tập trung xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản, đề án được giao chủ trì soạn thảo thuộc chương trình quý IV/2021.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật. Tiếp tục tham gia ý kiến pháp lý có chất lượng, với tinh thần trách nhiệm cao đối với việc xây dựng các văn bản để phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, tổ chức tốt việc triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2022; trong đó, tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành án, chú trọng giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài; chủ động, tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước. Tổ chức thành công phiên họp thứ nhất Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương; triển khai Kế hoạch Ngày Pháp luật năm 2021, nhất là hoạt động vinh danh “Gương sáng Pháp luật” đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và nhiệm vụ trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; hoàn thành việc trả lời kiến nghị của cử tri. Nghiên cứu, xây dựng đề án tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật và đề án tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu của chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan y tế; chủ động nắm bắt tình hình phòng, chống dịch của các đơn vị thuộc Bộ và Hệ thống Thi hành án dân sự, chủ động kịp thời có các giải pháp ứng phó khi có tình huống phát sinh.
Trả lời câu hỏi về kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cho biết, năm 2021, hệ thống THADS đã thi hành gần 3 ngàn việc, thu hồi hơn 4 ngàn tỷ đồng. Năm qua có rất khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương cách ly phong tỏa, đặc biệt nhiều địa phương số việc, tiền lớn như: TP. Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai… Do đó, nhiều việc thi hành án có giá trị lớn đang trong quá trình xử lý phải dừng lại. Cùng đó là các vướng mắc về thể chế, đặc biệt cơ chế ủy thác THA, tài sản nằm nhiều địa phương khác nhau… khiến việc THA kéo dài.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS thông tin, sắp tới sẽ tập trung vào một số giải pháp quan trọng: tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể quy định pháp luât, trong đó sửa đổi bổ sung quy định tạo điều kiện cho cơ quan THA trong việc ủy thác, xử lý tài sản nhằm rút ngắn thời gian THA; có giải pháp xử lý các vụ việc giá trị lớn, đặc biệt quan tâm đến các đại án tham nhũng kinh tế; kiện toàn bộ máy, nâng cao hiệu quả phối hợp với các Bộ, ban, ngành, các cơ quan, chính quyền địa phương…
 

Đại diện Cục Công nghệ thông tin 
 
Đối với nhóm câu hỏi liên quan đến việc báo chí phản ánh đối với các văn bản phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương có những quy định “vượt rào”, “ngăn sông cấm chợ”, không đúng quy định của pháp luật, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL cho biết, từ tháng 2/2020 đến tháng 8/2021, qua kiểm tra khoảng 165 văn bản có liên quan các nội dung về phòng, chống dịch Covid-19, Cục đã phát hiện nhiều địa phương ban hành văn bản có nội dung vượt ra khỏi quy định pháp luật. Tuy nhiên, các địa phương này đã kịp thời sửa đổi, thay thế hoặc thu hồi văn bản, hậu quả pháp lý chưa xảy ra nên Cục Kiểm tra VBQPPL không phải thực hiện quy trình kiểm tra xử lý.
Liên quan đến câu hỏi về việc phối hợp cấp số định danh cá nhân khai sinh cho trẻ em giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an, đại diện Cục Công nghệ thông tin cho biết, ngay từ ngày 01/01/2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh điện tử tại 04 thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở phối hợp triển khai thí điểm, hệ thống này đã được triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc, hơn 6 triệu trẻ đã được cấp số định danh cá nhân. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an trong việc đảm bảo đồng bộ dữ liệu hộ tịch với dữ liệu dân cư của hai Bộ.
Cũng tại cuộc họp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời câu hỏi của các phóng viên thông tấn, báo chí liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc Bộ Tư pháp quản lý.

N.D - Trung tâm thông tin