Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp

18/10/2021
Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp
Sáng ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị về dự thảo Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021 – 2026”.
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, trong thời gian qua, công tác truyền thông của Bộ, ngành đã được chú trọng và đạt những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: công tác truyền thông ngày càng đi vào nề nếp, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện; cơ sở pháp lý về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được thực hiện; việc thực hiện chế độ phát ngôn, cung cấp, xử lý thông tin báo chí, thông cáo báo chí ngày càng bài bản; các đơn vị thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền của Bộ ngày càng phát triển về quy mô số lượng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả vai trò là những kênh thông tin đóng vai trò trụ cột, quan trọng trong thực hiện công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Đồng thời, các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động trong việc truyền thông đối với các hoạt động của đơn vị; các kênh phối hợp thông tin, truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành cũng ngày càng được mở rộng; cách thức truyền thông ngày càng đa dạng, phong phú.
 

 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông của Bộ, ngành còn một số hạn chế, như: còn mang tính sự vụ, thiếu tính định hướng tổng thể; việc quan tâm tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông chưa có sự đồng đều giữa các đơn vị; hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí chưa kịp thời, thiếu tính chủ động; ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác tiềm năng, hiệu quả truyền thông trên các nền tảng xã hội chưa được đẩy mạnh, đầu tư thực hiện…
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021 – 2026” là yêu cầu cần thiết nhằm phát huy vai trò của truyền thông với ý nghĩa là công cụ chính trị - tư tưởng trong hoạt động quản lý của Bộ Tư pháp, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức tiếp cận các thông tin về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp cũng như thực thi.
Theo mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 2021 – 2026, công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thông tin, truyền thông nhằm lan tỏa hình ảnh và những đóng góp của Bộ, ngành Tư pháp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung quan trọng của dự thảo Đề án, như: sự cần thiết xây dựng Đề án; mục tiêu, phạm vi của Đề án; nội dung truyền thông và nhiệm vụ, giải pháp…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật cho rằng nội dung Đề án cần lưu ý đến: những mô hình tốt, cách làm hay của các địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; những giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh khi thực hiện công tác truyền thông; xác định trọng tâm, trọng điểm trong việc phối hợp với các cơ quan, báo chí; cụ thể hóa nội dung truyền thông về dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội ngay từ khi lập đề nghị xây dựng dự thảo trong phần nhiệm vụ, giải pháp…
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Đề án, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cho rằng các đơn vị cần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của công tác truyền thông từ chính bên trong nội bộ của mỗi cơ quan, đơn vị, đó là việc phát huy sức mạnh tổng thể, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông bên ngoài. Bên cạnh đó, đối với nhiệm vụ, giải pháp, đồng chí đề nghị cần xây dựng bảng phân công nhiệm vụ giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị.
Sau khi nghe các ý kiến dự họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tăng cường thông tin về hoạt động theo chức năng của Bộ, ngành Tư pháp; các đơn vị cần chủ động thực hiện công tác truyền thông gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Xây dựng nội dung truyền thông một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác, lưu ý đến những nội dung pháp luật, chính sách, hoạt động xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tác động của hoạt động công vụ đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm an ninh - quốc phòng… phân định công tác truyền thông với công tác phát ngôn, công tác thông tin, tiếp công dân.
 

Đối với nội dung Dự thảo Đề án, Thứ trưởng nhấn mạnh: Nhiệm vụ, giải pháp của dự thảo Đề án phải bảo đảm đồng bộ, toàn diện, trong đó cần bổ sung nội dung liên quan đến việc nâng cao nhận thức của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong toàn Bộ, ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông; trách nhiệm của các đơn vị thông tin, truyền thông trong việc thông tin kịp thời, đầy đủ hoạt động về cơ quan, đơn vị; nhiệm vụ, giải pháp trong việc phối hợp phản biện, phản bác thông tin không chính xác về Bộ, ngành Tư pháp và vấn đề xử lý sự cố truyền thông…