Giải pháp xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ tại cơ sở

16/08/2021
Giải pháp xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ tại cơ sở
Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quyết định này có ý nghĩa như thế nào, sắp tới triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc ra sao? Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.


-  Thưa Thứ trưởng, Thứ trưởng có thể cho biết mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh:

Trong bộ máy hành chính Nhà nước, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (cấp xã) có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Đây là cấp chính quyền cơ sở, trực tiếp tổ chức thi hành pháp luật và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực hiện và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Do đó, để tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là ở cấp cơ sở trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm, thực hiện quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, từ năm 2013, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 hướng dẫn thực hiện quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và tiếp đó là Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thực tiễn triển khai các Quyết định này, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về vấn đề thể chế lẫn tổ chức thi hành như: các tiêu chí, chỉ tiêu không còn phù hợp, quy định chưa phải là quy phạm pháp luật nên có nơi thực hiện chưa nghiêm…

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo kết hợp với việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chủ trương, định hướng lớn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư; các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Việc ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Quyết định 25/2021/QĐ-TTg được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong triển khai công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên toàn quốc. Trong đó, tiếp tục xác định việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên hàng năm, gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Đặc biệt, những quyền cơ bản của người dân được tạo cơ chế thuận lợi nhất để thực hiện như: tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở, được giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Quyết định 25/2021/QĐ-TTg tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật; kỷ luật, kỷ cương và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã được củng cố, duy trì.

Đồng thời, Quyết định là cơ sở pháp lý quan trọng, là đòn bẩy phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp chính quyền gần dân nhất trong việc tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận với pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, từ đó, xây dựng và hình thành thói quen, văn hóa “thượng tôn pháp luật” trong xã hội, xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh, tiến bộ tại cơ sở.

-  Quyết định 25/2021/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Đề nghị Thứ trưởng cho biết những vấn đề cần quan tâm để triển khai Quyết định 25 thực sự đi vào cuộc sống?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh:

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là sớm ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số quy định của Quyết định nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Dự kiến, Thông tư sẽ được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm hiệu lực của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành xây dựng phần mềm đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và dự kiến đưa vào ứng dụng, vận hành trong cả nước từ năm 2023 nhằm phục vụ tốt hơn công tác quản lý, theo dõi và thực hiện quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thống nhất, công khai, minh bạch, hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng sẽ tăng cường hơn công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân về hiệu quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, qua đó có các giải pháp thực hiện các tiêu chí tiếp cận pháp luật, đưa công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật ở cơ sở.

Về phía địa phương, đề nghị Sở Tư pháp kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; coi đây là giải pháp để thúc đẩy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực hiện dân chủ ở cơ sở theo phương châm lấy người dân làm trung tâm và là đối tượng phục vụ. Trên cơ sở quy định tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các địa phương cần có kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao thuộc phạm vi quản lý; quan tâm bố trí kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất để phục vụ triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; chú trọng đến việc xây dựng các mô hình điểm về chuẩn tiếp cận pháp luật cũng như có giải pháp hỗ trợ các xã còn khó khăn, thiếu nguồn lực trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật.

Công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không phải là nhiệm vụ của riêng Bộ, ngành Tư pháp mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp các cấp trong triển khai Quyết định; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho chính quyền cấp xã, đề xuất, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả trong xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân và xã hội trong thời gian tới.

- Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Thu Hằng (thực hiện)

baophapluat.vn