Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào từ ngày 9-10/8/2021. Đồng chí Lê Thành Long, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tham gia Đoàn với tư cách Thành viên chính thức.
Sau lễ đón hết sức trọng thị theo nghi thức cao nhất dành cho Nguyên thủ quốc gia, Hội đàm chính thức giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã diễn ra tại Phủ Chủ tịch vào sáng ngày 9/8/2021.
Tại hội đàm, hai Bên đã đánh giá cao sự hợp tác thủy chung, gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, Nhà nước và 2 dân tộc Việt - Lào anh em, đồng thời đề ra phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Về lĩnh vực pháp luật và tư pháp, tại Hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị phía Lào tiếp tục phối hợp duy trì cơ chế định kỳ tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới giữa 2 nước; xúc tiến đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự; tăng cường hợp tác trong đào tạo luật, đặc biệt là cử thêm sinh viên, học viên sang học tập tại Đại học Luật Hà Nội và các cơ sở đào tạo luật; đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhập quốc tịch cho các trường hợp người Việt Nam đủ điều kiện theo Thỏa thuận giải quyết vấn đề di dân tự do giữa 2 nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án ODA do Bộ Tư pháp Việt Nam hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào (Học viện Tư pháp quốc gia Lào) trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp Lào.
Kết thúc Hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào và Chủ tịch nước Việt Nam đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác song phương. Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Bộ trưởng Tư pháp Lào Phayvy SIBOULYPHA đã tiến hành ký Chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp CHDCND Lào năm 2022. Chương trình hợp tác này là sự kế thừa những nội dung của Chương trình hợp tác các năm trước, đồng thời bổ sung thêm một số nội dung mới để cập nhật với tình hình mới đáp ứng nhu cầu của Bạn và thế mạnh, khả năng của ta. Nội dung cơ bản của Chương trình hợp tác năm 2022 bao gồm: i) về trao đổi Đoàn: Bộ Tư pháp Việt Nam cử 02 Đoàn công tác sang Lào (Đoàn cấp Vụ chia sẻ kinh nghiệm về công tác hòa giải cơ sở; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp sang giao lưu với Đoàn Thanh niên NDCM Lào thuộc Bộ Tư pháp Lào); Bộ Tư pháp Lào cử 02 Đoàn công tác sang Việt Nam (Đoàn cấp Vụ sang trao đổi kinh nghiệm phục vụ sửa đổi Luật Công chứng; Đoàn Bộ trưởng Tư pháp Lào sang thăm luân phiên kết hợp tham dự Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới lần thứ 5 và tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp 2 nước); ii) về đào tạo, bồi dưỡng: hai Bên tiếp tục tích cực triển khai có hiệu quả Kế hoạch năm 2022 của Dự án ODA hỗ trợ Bộ Tư pháp Lào; Trường ĐH Luật Hà Nội Nội và Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam triển khai có hiệu quả các Thỏa thuận hợp tác đã ký với Học viện Tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Lào; iii) về hợp tác địa phương: Bộ Tư pháp 2 nước khuyến khích và tạo điều kiện tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp, thi hành án địa phương của 2 nước theo Kết luận của các Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới giữa 2 nước; iv) về hợp tác đa phương: hai Bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm tham gia, phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế đa phương về pháp luật, đặc biệt là phối hợp trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (ALAWMM) và Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM).
Việc ký kết Chương trình hợp tác nói trên là sự kế thừa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp với bề dày gần 40 năm qua giữa 2 nước, tiếp tục tạo dấu ấn vun đắp cho quan hệ giữa Bộ, Ngành Tư pháp 2 nước Việt - Lào anh em ngày càng khăng khít, "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững", góp phần vào việc không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa 2 Đảng, Nhà nước và Nhân Dân 2 nước Việt - Lào anh em.
Vụ Hợp tác quốc tế