Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã khẳng định vị thế, vai trò trong đời sống xã hội

09/07/2021
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã khẳng định vị thế, vai trò trong đời sống xã hội
Chỉ còn 1 ngày là kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (10/7/2001 - 10/7/2021), công tác đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) đã đóng góp như thế nào vào phát triển kinh tế xã hội và trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề gì, Phóng viên đã phỏng vấn Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc.

Công cụ hữu hiệu để tiếp cận, bảo toàn nguồn vốn và hạn chế rủi ro pháp lý.

-Thưa Thứ trưởng, ngày 10/7/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 104/2001/QĐ-TTg về việc thành lập Cục ĐKQGGDBĐ. Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được của Cục ĐKQGGDBĐ?

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Cục ĐKQGGDBĐ giúp Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm là quãng thời gian không dài so với lịch sử 76 năm của Bộ, ngành Tư pháp, nhưng cũng đủ để khẳng định được vị trí ngày càng quan trọng của Cục và công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước và hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.

Bắt đầu dường như “từ con số không tới có”, công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đã phát triển mạnh mẽ tới mức không thể thiếu được trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, nhất là thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay là một sự khẳng định vị trí, vai trò mà có khó thể diễn tả hết. Nói như một chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng thì nếu không có thiết chế bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với các khoản vay thì doanh nghiệp và người dân rất khó nếu không muốn nói là không thể tiếp cận được các nguồn vốn vay trong nước và quốc tế.

Sự phát triển của lĩnh vực công tác giao dịch bảo đảm của Bộ, ngành Tư pháp gắn chặt với sự vươn lên của Cục ĐKQGGDBĐ với nhiều kết quả tích cực trong 20 năm qua. Cho phép tôi nhắc tới một số kết quả lớn sau đây:

Thứ nhất, một khuôn khổ pháp luật mới về giao dịch bảo đảm, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được xây dựng và thường xuyên được rà soát, hoàn thiện trong hơn 20 năm qua với mốc đầu tiên là các quy định liên quan của Bộ luật dân sự năm 1995, tiếp đó là Bộ luật dân sự năm 2005 và hiện nay là Bộ luật dân sự năm 2015. Cùng với đó là các nghị định khác của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật dân sự về giao dịch bảo đảm, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, các quy trình, thủ tục ngày càng được thuận lợi để người dân và doanh nghiệp đăng ký các giao dịch và biện pháp bảo đảm. Những vấn đề kỹ thuật, biểu mẫu, vướng mắc thực tiễn đều được Bộ Tư pháp tổng kết để đưa vào các thông tư của mình hoặc liên ngành để hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật. Điều đáng mừng là khuôn khổ pháp luật này đã có sự tiếp cận hài hòa giữa vừa việc phản ảnh được đặc thù văn hóa, truyền thống, thực tiễn Việt Nam và vừa học hỏi có chọn lọc các kinh nghiệm, thực tiễn quốc tế tốt để cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thứ hai, công tác tổ chức thi hành pháp luật về giao dịch và biện pháp bảo đảm được tăng cường với vai trò quan trọng của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác này mà Cục ĐKQGGDBĐ được Bộ trưởng giao trực tiếp chức năng, nhiệm vụ này. Cục ĐKQGGDBĐ đã tích cực, chủ động trong hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, đi đôi với tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho người thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm cùng với đó là phối hợp các Bộ, ngành triển khai các hoạt động kiểm tra về thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại các địa phương để tổng hợp số liệu, đánh giá tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Qua đó, đăng ký biện pháp bảo đảm, pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm đã không còn là định chế pháp lý, thủ tục pháp lý khô khan, khó hiểu, nặng về nghiệp vụ mà ngày càng trở nên dễ hiểu, gần gũi hơn trong giao lưu dân sự, giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ được vai trò của chúng như là một công cụ hữu hiệu để tiếp cận vốn, bảo toàn nguồn vốn và hạn chế rủi ro pháp lý cho mình.

Thứ ba, ngoài việc giúp Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với đăng ký các giao dịch, biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và Bộ Giao thông vận tải đối với đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, Cục ĐKQGGDBĐ đã nghiên cứu và tham mưu Bộ Tư pháp thành lập 03 Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh để cung ứng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, không phải tàu bay, tàu biển.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2002 - 2020, tổng số phiếu yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm tại 03 Trung tâm là gần 07 triệu phiếu, đóng góp trực tiếp cho Ngân sách nhà nước gần 60 tỷ đồng. Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 01/7/2020 - 13/6/2021, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã giảm phí được khoảng 13 tỷ đồng cho các cá nhân, tổ chức đến yêu cầu cung cấp dịch vụ công. Các Trung tâm bắt đầu công việc đăng ký của mình chủ yếu là thủ công thì ngày nay khoảng 80% giao dịch đã được thực hiện theo hình thức trực tuyến ở mức độ 4 – mức độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công ở nước ta hiện nay. Có thể khẳng định đây là điểm sáng, lĩnh vực đầu tiên trong ngành Tư pháp trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến và nhận được nhiều sự khen ngợi, đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Cuối cùng, một kết quả không thể không nói tới vai trò đầu tàu của Cục ĐKQGGDBĐ, tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Cục ĐKQGGDBĐ trong viêc nghiên cứu, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các cơ sở lý luận và thực tiễn về các giao dịch và biện pháp bảo đảm trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế tại Việt Nam. Chúng ta từng bước xây dựng được các chuyên gia giỏi, những người đam mê tìm tòi về lĩnh vực công tác này của Bộ. Đây là tài sản quý báu, nền tảng cho việc xây dựng các định hướng phát triển cho những năm tiếp theo.

Có thể nói là cá nhân tôi tự hào chứng kiến những sự đổi thay và phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo là đơn vị giúp Bộ trưởng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thế giới xung quanh ta phát triển liên tục và thậm chí còn phát triển nhanh với tốc độ chưa từng có thì cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức, yêu cầu cho việc tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng phát triển của đất nước.

Cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

-Từ kết quả đạt được sau 20 năm thành lập, để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, Cục ĐKQGGDBĐ cần tập trung giải quyết những vấn đề gì trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Đúng là Cục ĐKQGGDBĐ đã có 20 năm xây dựng và phát triển tốt đẹp trên tất cả các mặt công tác. Đây là cơ sở, điểm tựa quan trọng cho sự phát triển của Cục trong những năm tới đây. Bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, đất nước, Bộ, ngành Tư pháp đã có nhiều thay đổi so với 20 năm trước đặt ra các yêu cầu mới, khác trước đây đối với công tác giao dịch và biện pháp bảo đảm, cũng như là sự phát triển của Cục ĐKQGGDBĐ. Với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh...”, cùng với những tồn tại, hạn chế từ tổng kết thực tiễn 20 năm qua, công tác giao dịch và biện pháp bảo đảm còn nhiều việc phải tiếp tục được thực hiện. Tôi rất mong cột mốc 20 năm phát triển cũng là dịp để tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động của Cục ĐKQGGDBĐ, các đồng chí đã từng công tác tại Cục và những nhà nghiên cứu, người làm thực tiễn trong lĩnh vực giao dịch và biện pháp bảo đảm cùng chia sẻ về những định hướng phát triển tới đây.

Trong nỗ lực này, với tư cách là Lãnh đạo Bộ đã sát cánh cùng tập thể Cục ĐKQGGDBĐ trong những năm gần đây, xin chia sẻ một số định hướng phát triển tới đây:

Một là, thế giới và đất nước phát triển nhanh và Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế tốt cần thường xuyên được nghiên cứu, rà soát, đánh giá để có bổ sung, hoàn thiện cho khuôn khổ pháp luật, thực tiễn quản lý nhà nước và đăng ký các giao dịch, biện pháp bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đúng với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đi cùng với bảo đảm an toàn, an ninh cho các giao dịch dân sự và xử lý vi phạm pháp luật.

Hai là, thực tế hiện nay các tài sản được dùng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại Việt Nam chủ yếu là tài sản hữu hình, nhất là bất động sản-tức là các tài sản hữu hạn. Trong khi đó tại nhiều nước kinh tế thị trường phát triển thì đã có sự bổ sung, chuyển sang sử dụng nhiều tài sản vô hình, các quyền có được-tức là các tài sản vô hạn trong xã hội. Do đó, vấn đề tài sản bảo đảm cũng cần được nghiên cứu, rà soát kỹ trong thời gian tới để có hoàn thiện, hướng dẫn, mở ra các cơ hội mới cho người dân, doanh nghiệp được sử dụng, khai thác hiệu quả các tài sản và quyền hợp pháp của mình trong các giao dịch bảo đảm, thông qua đó là đem lại các cơ hội tiếp cận vốn vay để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

Ba là, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đang làm đau đầu các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng, ngân hàng và doanh nghiệp là việc xử lý tài sản bảo đảm. Đây cũng là một trong các nguyên nhân làm cho việc xử lý nợ xấu kéo dài, khó khăn. Đây là một vấn đề khó và phức tạp, liên quan tới nhiều bộ, ngành và lĩnh vực quản lý khác nhau, nhưng về bản chất thì nó gắn liền với các giao dịch bảo đảm cụ thể. Nếu chúng ta chỉ quan tâm làm tốt nhằm đăng ký các giao dịch, biện pháp bảo đảm mà không làm tốt phần xử lý tài sản bảo đảm thì mục đích chung của thiết chế giao dịch, biện pháp bảo đảm khó có thể đạt được, nhất là khi đặt vấn đề giảm chi phí, sử dụng hiệu quả nguồn lực thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh như Nghị quyết của Đảng đã nêu. Tôi rất mong tập thể Cục ĐKQGGDBĐ cùng các nhà nghiên cứu và người làm thực tiễn tham mưu, hiến kế các giải pháp để sớm giải quyết được những khó khăn, cản trở trong xử lý tài sản bảo đảm hiện nay. Ý tưởng về xây dựng một Luật riêng của Quốc hội quy định về đăng ký tài sản hoặc đăng ký các giao dịch, biện pháp bảo đảm đi cùng với cơ chế xử lý tài sản bảo đảm đủ mạnh có thể là một ý tưởng cần được nghiên cứu thấu đáo để nếu phù hợp thì báo cáo các cấp có thẩm quyền. Tất nhiên, đây là vấn đề khó, liên quan nhiều bộ, ngành và nhiều khuôn khổ pháp luật khác nhau trong khi đó nhận thức chung của các cơ quan chưa phải đã thống nhất, do đó, ngoài nghiên cứu, xử lý các vấn đề nội dung thì cần chú ý cách làm để đạt được mục tiêu.

-Kỷ niệm ngày thành lập, Thứ trưởng có nhắn nhủ và gửi gắm gì đối với công chức, viên chức và người lao động đang làm việc tại Cục ĐKQGGDBĐ?

Những kết quả xây dựng và phát triển mạnh mẽ, ấn tượng của lĩnh vực công tác mới của Bộ, ngành Tư pháp là giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giao dịch bảo đảm được như trên có phần quyết định là những cống hiến, nỗ lực và tâm huyết của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Cục ĐKQGGDBĐ trong 20 năm qua. Sự phát triển trong những năm tới của Cục ĐKQGGDBĐ là đầy hứa hẹn. Tôi tin tưởng rằng, Cục ĐKQGGDBĐ sẽ kế thừa và phát huy được những thành tựu đã có, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Tôi chúc mừng những thành tựu mà Cục ĐKQGGDBĐ đã đạt được trong 20 năm qua. Chúc Cục ĐKQGGDBĐ không ngừng phát triển, giữ vững vai trò là đơn vị tham mưu, giúp Lãnh đạo Bộ trong quản lý nhà nước về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm, tiếp tục góp phần không nhỏ vào mục tiêu chung trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chúc toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Cục sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

-Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

P.V (thực hiện)