Chiều 8/7, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã làm việc với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm. Cục trưởng Phạm Tuấn Ngọc cùng các Phó Cục trưởng, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng tham dự.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã giới thiệu khái quát về kết cấu, phạm vi điều chỉnh và một số nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị định. Các quy định của dự thảo Nghị định đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa quy định chung với quy định riêng trong thủ tục đăng ký chuyên ngành.
Theo đó, Dự thảo Nghị định được kết cấu gồm 6 Chương: Quy định chung; Cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm và quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm; Quy định chung về thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm; Quy định riêng về thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm; Cung cấp thông tin, công bố thông tin và trao đổi thông tin về biện pháp bảo đảm và Điều khoản thi hành.
Về phạm vi điều chỉnh, bên cạnh kế thừa một số quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, dự thảo Nghị định cân nhắc ghi nhận trường hợp người dân, doanh nghiệp có yêu cầu được đăng ký các nội dung khác liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, các nội dung chính của dự thảo Nghị định chủ yếu quy định về đăng ký, cung cấp thông tin, trao đổi thông tin qua mạng thông tin điện tử; giá trị pháp lý bản ghi điện tử; tách bạch giữa xóa đăng ký với hủy việc đăng ký; hậu quả của việc đăng ký thay đổi dẫn tới chấm dứt một phần nội dung được đăng ký...
Việc xác định phạm vi điều chỉnh như vậy được đánh giá là sẽ đảm bảo việc công khai hóa đầy đủ hơn thông tin về tài sản, mặt khác, đây là việc thực hiện theo yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, không phải là thủ tục đăng ký bắt buộc.
Liên quan đến việc trao đổi thông tin về biện pháp bảo đảm, dự thảo Nghị định tách bạch giữa cung cấp thông tin (theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức) với trao đổi thông tin (giữa cơ quan đăng ký với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý nhà nước, giải quyết vụ việc về hành chính, dân sự, tố tụng). Theo đó cung cấp thông tin được thực hiện theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; còn việc trao đổi thông tin được thực hiện giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý nhà nước, giải quyết tranh chấp, thi hành án.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã cho ý kiến cụ thể về tên gọi dự thảo Nghị định, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, bố cục; quy định về đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm, cơ chế cung cấp thông tin, trao đổi thông tin về biện pháp bảo đảm… để đảm bảo sự thuận lợi, giảm thiểu rủi ro, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá cao sự chuẩn bị về nội dung của Cục Đăng ký. Thứ trưởng yêu cầu việc xây dựng Nghị định phải đầy đủ thành phần hồ sơ, rõ quy trình thủ tục theo quy định pháp luật. Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính thì thông tin đăng ký trực tuyến phải chính xác và an toàn, rõ giá trị về mặt pháp lý, thủ tục đơn giản. Việc kết nối, chia sẻ thông tin cần đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách của Chính phủ.
Nhận định việc kế thừa và phát triển các quy định pháp luật là rất quan trọng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Thứ trưởng lưu ý việc mở rộng phạm vi đăng ký biện pháp bảo đảm phải đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó phải là những nhu cầu lớn, thiết yếu, mang tính phổ quát. Để làm được điều này, Cục phải rà soát, thống kê số liệu cụ thể để đánh giá được nhu cầu trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu dự thảo Nghị định cần quy định rõ các nguyên tắc, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm mang tính bao quát để tất cả các bộ, ngành áp dụng chung. Đồng thời cũng cần nghiên cứu xây dựng các quy định đặc thù đối với từng lĩnh vực.
Bảo Ngọc