Việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật giúp chính quyền cấp xã kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế trong tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường thực hiện dân chủ, tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở.
Góp phần xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh tại cơ sở
Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ chiều ngày 22/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, đơn vị đang tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 619/2017/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo hướng gọn nhẹ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, mục tiêu sửa đổi lần này là tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả triển khai công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, góp phần xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh tại cơ sở, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thúc đẩy thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa và phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao theo luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan này trong việc tổ chức thi hành pháp luật tại cơ sở.
Để đưa pháp luật vào cuộc sống không thể thiếu được vai trò của chính quyền cấp xã, bởi đây là cấp cuối cùng thực hiện quyền lực nhà nước đến người dân, nhất là trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được hiến định. Để có mặt bằng chung trong việc chuẩn tiếp cận pháp luật, Chính phủ đã xây dựng Quyết định là cơ sở pháp lý quan trọng và đồng bộ để triển khai thực hiện, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa pháp luật vào đời sống, bảo đảm quyền con người, dân chủ xã hội chủ nghĩa, đây cũng là tiêu chí quan trọng để xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Đặc biệt, đây cũng là biện pháp thúc đẩy trách nhiệm của chính quyền cơ sở thực hiện các mục tiêu quan trọng như đã nói ở trên, phát huy trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi trách nhiệm của mình ở cấp xã đối với các vấn đề chung ở địa phương mình, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
5 tiêu chí trong đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Theo Bộ Tư pháp, sau 4 năm thực hiện Quyết định số 619/2017/QĐ-TTg đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã và cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, phát huy dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như sau:
Một số tiêu chí cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn chưa phù hợp, khả thi, một số nội dung, chỉ tiêu còn định tính, mâu thuẫn, trùng lắp, chồng chéo. Một số chỉ tiêu không thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã; chưa nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời, đúng quy định trách nhiệm của chính quyền cấp xã nhằm tạo môi trường pháp lý phục vụ đời sống người dân.
Việc đánh giá hài lòng của tổ chức, cá nhân về sự phục vụ của chính quyền trong thực hiện thủ tục hành chính vừa là chỉ tiêu vừa là điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa phù hợp, trùng lắp; hiện nay đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính đã được thực hiện theo quy định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Thời hạn thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa phù hợp, do quy định thời hạn ngắn nên quá trình tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn khó khăn, khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, gây áp lực cho địa phương.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp cho rằng, việc dự thảo quy định về 05 tiêu chí trong dự thảo Quyết định đã tạo cơ sở đầy đủ, thực chất, hiệu quả, phù hợp với mục đích đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, có những tiêu chí rất quan trong như tiêu chí đánh giá chính quyền cấp xã trong thực hiện trách nhiệm để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng, do vậy quy định này cần phải thể hiện rõ trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ để đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân. Đồng thời, để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
5 tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Tiêu chí 1: Ban hành văn bản theo thẩm quyền và chỉ đạo của cơ quan cấp trên.
Tiêu chí 2: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tiêu chí 3: Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý.
Tiêu chí 4: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Tiêu chí 5: Giải quyết thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tổ chức tiếp công dân; tổ chức trao đổi, đối thoại với nhân dân; cán bộ, công chức chấp hành pháp luật; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Lê Sơn
baochinhphu.vn