Sáng nay (10/6), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phát triển tỉnh Thanh Hóa. Tham dự Hội đồng thẩm định còn có đồng chí Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư; đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân dân tỉnh Thanh Hóa.
Báo cáo tại Hội đồng thẩm định cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa chưa được quy định trong luật hoặc khác so với quy định pháp luật hiện hành là cần thiết nhằm tạo điều kiện để tỉnh Thanh Hóa có thêm cơ hội thu hút, huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, phát huy mọi thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Đồng thời, cũng tạo được cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; tạo động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng và của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.
Các thành viên tham dự Hội đồng đã trao đổi, thảo luận và cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; sự phù hợp của nội dung chính sách với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách; tính tương thích của nội dung chính sách với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Sau khi nghe các ý kiến dự họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định các ý kiến tại Hội đồng đã thể hiện thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết bao gồm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý; phạm vi điều chỉnh phù hợp với nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 58-NQ/TW và các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết phù hợp với thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội. Hội đồng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, xem xét bổ sung những chính sách đặc thù, có ý nghĩa quan trọng được các Bộ, ngành đồng tình trong thời gian qua…
Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sớm hoàn thiện tờ trình, bổ sung báo cáo tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động của các chính sách, cũng như căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Tư pháp để hoàn chỉnh hồ sơ đảm bảo nội dung yêu cầu trình Quốc hội.
N.D