Cuối tuần qua, tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp, Ban chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật (THPL) của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN” đã tổ chức Hội thảo về xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả THPL của cơ quan nhà nước.
GS-TS. Hoàng Chí Bảo quan niệm, sinh khí của hoạt động THPL là tôn trọng dân chủ và pháp quyền. Cơ quan nhà nước, trong tư cách công quyền, THPL không lấy bản thân và luật pháp làm mục đích tự thân mà là phải vì dân, hướng tới dân, phục vụ dân và bảo vệ dân. Vì vậy, GS Bảo cho rằng, việc THPL của các cơ quan nhà nước, các cơ quan công quyền chất lượng đến đâu, hiệu quả ra sao phụ thuộc ít nhất từ 3 thành phần chủ yếu. Đó là, chất lượng của hệ thống các văn bản luật, sức mạnh của bộ máy nhà nước (sức mạnh nhờ tính năng động, tính khoa học, sức mạnh của đạo đức, tính trong sạch…) và chất lượng, trình độ, trách nhiệm của đội ngũ công chức.
Bàn về các tiêu chí đo lường, đánh giá văn hóa pháp luật và hiệu quả pháp luật của một quốc gia, TS. Nguyễn Sỹ Dũng và PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa đã chia thành các tiêu chí đánh giá luật trên giấy và các tiêu chí đánh giá luật trong hành vi (còn gọi là THPL). Các tiêu chí đánh giá THPL bao gồm việc thực hiện pháp luật phải đạt được các mục tiêu chính sách đề ra; chi phí thực hiện pháp luật phải hợp lý; đảm bảo tôn trọng quyền con người; việc tổ chức thực hiện pháp luật phải phù hợp với hệ thống pháp luật; đảm bảo sự công bằng, nhất quán và nghiêm minh; công khai, minh bạch.
Phân tích đánh giá hiệu quả THPL của cơ quan nhà nước, GS-TS. Trần Ngọc Đường nêu lên 4 yếu tố: Phương hướng, nội dung và kết quả đạt được về tổ chức và hoạt động THPL của các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức có thẩm quyền; Chi phí về thời gian để tiến hành tổ chức các hoạt động THPL; Cách thức hoạt động THPL của các cơ quan nhà nước và cán bộ nhân viên nhà nước có thẩm quyền; Các chi phí về cán bộ, kỹ thuật, xã hội và tài chính để thi hành và đảm bảo THPL của cơ quan nhà nước. Điều quan trọng là “phải xem xét kết quả đạt được trên thực tế trong mối quan hệ với hiệu quả về tổ chức và hoạt động THPL của cơ quan nhà nước”, GS Đường nhấn mạnh.
Kinh nghiệm của TS. Lê Đăng Doanh cho thấy, văn bản pháp luật không xem xét đầy đủ các yếu tố thực tế sẽ có hiệu lực thi hành rất thấp, dù cơ quan nhà nước có nỗ lực nghiêm túc và dành chi phí lớn về nhân lực, vật lực cho việc thi hành văn bản đó. Vị chuyên gia dẫn chứng, luật cấm rượu ở Liên Xô trước đây đã hoàn toàn không có hiệu lực và phải bãi bỏ vì sức mạnh thói quen của cộng đồng quá lớn. Tương tự như vậy, luật thuế thu nhập cá nhân đánh lũy tiến đến 65% và thuế vào tài sản kế thừa đánh lũy tiến đến 85% của Thụy Điển đã phải sửa đổi theo hướng giảm bớt tỷ lệ thu thuế thu nhập xuống còn 50% và thay thế luật thuế kế thừa bằng luật thuế tài sản.
Theo ông Doanh, để đánh giá hiệu quả THPL, người ta thường xét đến các điều kiện, tiền đề cần thiết trong thực thi pháp luật và để đo lường, người ta có thể sử dụng các tiêu chí định tính và định lượng. Các điều kiện cần thiết là sự hợp lý và đầy đủ của các quy định pháp luật, các điều kiện vật chất và tinh thần, ý thức của người dân và chế tài phải đủ sức răn đe, chi phí về thời gian và tiền bạc. Nhưng bất kể thế nào, “việc đo hiệu lực và hiệu quả THPL phải dựa trên phân tích thực tế, chứ không thể chỉ căn cứ vào việc ban hành văn bản hay những quy định trên giấy tờ”, ông Doanh kết luận.
Thục Quyên