Phân định rõ hoạt động thanh tra và kiểm tra

29/04/2021
Phân định rõ hoạt động thanh tra và kiểm tra
Sáng nay (29/4), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Tham dự Hội đồng, về phía cơ quan chủ trì soạn thảo có đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và các thành viên Hội đồng thẩm định.
Báo cáo tại Hội đồng thẩm định cho biết, Luật Thanh tra đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao quả quản lý nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Thanh tra cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.
Trên cơ sở những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành Thanh tra, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay, việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra hiện hành là cần thiết.
 

 
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 10 chương và 130 điều, cụ thể như sau: Chương I (Những quy định chung) gồm 13 Điều, 2 Mục. Chương II (Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra trong hệ thống hành chính nhà nước) gồm 25 Điều (từ Điều 14 đến Điều 39), 6 Mục (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện).  Chương III (Tổ chức, hoạt động thanh tra trong các cơ quan khác của nhà nước) gồm 3 điều (từ Điều 40 đến Điều 42). Chương IV (Thanh tra viên) gồm 6 điều (từ Điều 43 đến Điều 49). Chương V (Hoạt động thanh tra) gồm 53 điều, 9 Mục (từ Điều 50 đến Điều 102). Chương VI “Thực hiện Kết luận thanh tra“ có 5 Điều (từ Điều 103 đến Điều 107). Chương VII “Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra“ gồm 5 điều (từ Điều 108 đến Điều 112. Chương VIII (Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra) gồm 3 điều (từ Điều 113 đến Điều 115). Chương IX (Thanh tra nhân dân) gồm 11 Điều (từ Điều 116 đến Điều 126). Chương X (Điều khoản thi hành) gồm 5 Điều (từ Điều 127 đến Điều 131).
Tại phiên thẩm định, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng của Dự thảo Luật, như: Phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền, trình tự, thủ tục thanh tra; hồ sơ Dự thảo Luật; tổ chức và hoạt động thanh tra: thanh tra hành chính; thanh tra chuyên ngành; thanh tra nội bộ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra...
 

 
Kết luận tại phiên thẩm định, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; sự phân cấp, phân quyền, tăng trách nhiệm, thẩm quyền cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định nhằm tránh những mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với các quy định pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, cũng cần phân định rõ thế nào là thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, thanh tra nội bộ với kiểm tra. Theo Thứ trưởng, các quy trình, thủ tục của Dự thảo Luật đã đáp ứng đầy đủ các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng cần có đánh giá kỹ lưỡng hơn với thực tiễn thi hành và lý luận so với các chính sách đã được Chính phủ thông qua…
 N.D