Nhìn chị em xúng xính, thướt tha trong tà áo dài, chúng ta sẽ cảm nhận được rõ rằng phụ nữ ngành Tư pháp không hề khô khan với những điều luật này, quy định kia...
Tôn vinh “Di sản văn hóa Việt Nam”
Để bảo vệ, phát huy, tôn vinh cũng như nâng cao nhận thức về giá trị của áo dài, từ năm 2020, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động Tuần lễ Áo dài và năm nay, chương trình đầy ý nghĩa này tiếp tục được duy trì. Theo đó, Tuần lễ Áo dài 2021 được diễn ra từ ngày 01/3 đến 08/3 trên toàn quốc.
Dù công việc hàng ngày, quanh năm, suốt tháng chỉ toàn gắn với xây dựng, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh, nghị định nhưng chị em ngành Tư pháp năm nào cũng hưởng ứng chương trình hết sức nhiệt tình. Năm nay, ngay khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Ban Thường vụ Công đoàn Bộ Tư pháp lập tức có Công văn kêu gọi cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động nữ tích cực hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”.
Theo đó, khuyến khích 100% nữ cán bộ, đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tham gia thực hiện “Tuần lễ áo dài”, mặc trang phục áo dài đến công sở trong tuần lễ từ 01 - 08/3/2021.
Công đoàn Bộ Tư pháp còn mong muốn công chức, viên chức nữ duy trì việc mặc áo dài đến công sở thường xuyên vào một ngày cố định trong tuần; vận động chị em mặc trang phục áo dài truyền thống trong các hội nghị, sự kiện của đơn vị, của địa phương, của quê hương, đất nước và trong các sự kiện của gia đình, cộng đồng nhằm lan tỏa vẻ đẹp áo dài, đẩy mạnh tuyên truyền, tôn vinh, quảng bá chiếc áo dài và khẳng định chủ quyền áo dài của Việt Nam.
Ban Thường vụ Công đoàn Bộ Tư pháp khuyến khích các công đoàn cơ sở tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị có thể tổ chức cho đoàn viên công chức, viên chức, người lao động nữ của đơn vị tổ chức thi ảnh đẹp áo dài, trình diễn áo dài vào thời điểm thích hợp, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền các hoạt động của “Tuần lễ áo dài” trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh truyền thông xã hội nhằm khẳng định giá trị của áo dài truyền thống Việt Nam.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh làm việc với Công đoàn Bộ trong trang phục áo dài.
Ấn tượng đẹp trong lòng đồng nghiệp và người dân
Những ngày này, khi đến các đơn vị thuộc Bộ, ai cũng có thể thấy hình ảnh chị em phụ nữ diện trang phục áo dài truyền thống Việt Nam thật đẹp mắt. Không những thế, những hình ảnh, khoảnh khắc các nữ cán bộ, công chức, viên chức mặc trang phục áo dài truyền thống đang làm việc hay tranh thủ chụp những lúc giải lao được lan tỏa khắp mạng xã hội.
Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp Khương Thị Thanh Huyền chia sẻ, đối với phụ nữ ngành Tư pháp, việc mặc áo dài không hề gây ảnh hưởng chung tới công việc, nếu như thường ngày mọi người thường chỉ mặc đồ công sở thì việc thay đổi mặc áo dài còn tạo không khí tươi vui, giúp mọi người làm việc hiệu quả hơn. Việc hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam mà còn là để giữ gìn truyền thống tốt đẹp này.
Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp, Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp Hồ Quang Huy nhận xét, nữ cán bộ, công chức mặc áo dài đi làm rất lịch sự, văn minh, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Sự thay đổi nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả lớn. Hình ảnh nữ cán bộ, công chức thanh lịch, nhã nhặn trong tà áo dài, cùng phong cách làm việc chuyên nghiệp không chỉ để lại ấn tượng đẹp trong lòng các nam đồng nghiệp mà cả với những người dân khi đến cơ quan Bộ làm việc.
Tuần lễ mặc áo dài là hoạt động hết sức ý nghĩa, qua hoạt động này đã tôn vinh giá trị truyền thống của áo dài trong đời sống xã hội, thể hiện được nét đẹp, sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Hy vọng, việc mặc áo dài đến công sở của chị em ngành Tư pháp nói riêng và chị em cả nước nói chung sẽ trở thành nền nếp, từ đó góp phần bảo vệ, gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống - quốc phục của Việt Nam.
Một số hình ảnh hưởng ứng Tuần lễ áo dài của các đơn vị: