Rà soát pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý để đề xuất nội dung hoàn thiện pháp luật, kịp thời xử lý mâu thuẫn,chồng chéo, bắt cập hoặc không phù hợp thực tiễn nhằm phát riển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quyền con người, quyền công dân… là một trong những nội dung Bộ Tư pháp sẽ thực hiện nhằm triển khai thi hành thi hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng,hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.
Không thẩm định những hồ sơ dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện
Tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: trong thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều thành quả quan trọng, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập. Để nâng cao hơn chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Tiếp tục phát huy vai trò cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm tăng cường công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; thực hiện hiệu quả các Kết luận tổng kết và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tham mưu, giúp Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội xây dựng, trình Ban chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, trong đó có nội dung về Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, địa phương; Tập trung nguồn lực bảo đảm tiến độ, nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền; không tổ chức thẩm định những hồ sơ dự án, dự thảo chưa đủ điều kiện, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, đặc biệt là việc xử lý các văn bản trái pháp luật.
Tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật của các bộ, ngành, địa phương để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật; Tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm gắn kết công tác xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương. …
Để tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, thống nhất và hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị 43/CT-TTg Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định các nhóm hoạt động do các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện gồm kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị; các hoạt động liên quan đến việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; các hoạt động giúp tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; các hoạt động nhằm bảo đảm, tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật và nhóm các hoạt động do các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo triển khai thi hành Chỉ thị và các hoạt động khác được phân công tại Kế hoạch; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần ưu tiên nguồn lực và tổ chức, chỉ đạo thực hiện bằng các hình thức phù hợp để đạt chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ. Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật là đầu mối thực hiện và có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
Thu Hằng