Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh mong Tư pháp Hải phòng tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá

13/01/2021
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh mong Tư pháp Hải phòng tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá
Năm 2020, Sở Tư pháp TP Hải Phòng đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh tế-xã hội vừa phòng, chống dịch Covid -19 an toàn. Do đó, Sở Tư pháp TP Hải Phòng được vinh dự xếp hạng xuất sắc trong khối các Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

90% thông tin chỉ đạo được xử lý trên mạng
Ngày 12/1, Sở Tư pháp TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tư pháp năm 2020 và triển khai công tác năm 2021. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Tịnh cho biết, năm 2020, trong điều kiện khối lượng công việc ngày càng đa dạng và phức tạp, với quyết tâm tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, ngành tư pháp TP Hải Phòng triển khai đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực được giao, bám sát chương trình, kế hoạch công tác năm và giai đoạn 2016-2020. Các mặt công tác tư pháp đều có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ. Công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết nhiệm vụ được chú trọng nâng cao; công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ được đẩy mạnh triển khai ngay từ đầu năm; đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc, kỷ luật, kỷ cương công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan Sở, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và Phòng Tư pháp các quận, huyện.
Công tác quản lý xây dựng và ban hành văn bản QPPL có chuyển biến tích cực, thể hiện được vị trí, vai trò của Ngành Tư pháp trong việc tham gia góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của địa phương. Sở Tư pháp Hải Phòng đã kịp thời tham mưu UBND, HĐND TP ban hành 38 văn bản QPPL; góp ý 279 dự thảo văn bản; xử lý hoặc kiến nghị xử lý 83 văn bản pháp luật đã hết hiệu lực, góp phần tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.
Công tác PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn, tạo sự lan tỏa rộng lớn, thu hút quan tâm của đông đảo các đối tượng trên địa bàn; phát hành hơn 173.000 tờ gấp pháp luật, gần 4.500 cuốn sách hỏi đáp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các lĩnh vực hôn nhân gia đình, đất đai, dân sự, lao động, hình sự.... Đây là nguồn tài liệu pháp luật phong phú, cung cấp kiến thức pháp luật hữu ích cho các ngành, các cấp, cán bộ và nhân dân.
Công tác hòa giải cũng được đẩy mạnh, đến nay, Hải Phòng có 2.531 tổ hòa giải với 13.565 hòa giải viên, tỷ lệ hòa giải thành đạt cao (trên 70%), góp phần quan trọng vào việc xây dựng đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước ngày càng đi vào ổn định, nền nếp; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện tích hợp 04 thủ tục hành chính lĩnh vực hành chính tư pháp vào Hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến TP và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia góp phần đơn giản hóa hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.
Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm tiếp tục được tăng cường. Tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp tiếp tục được quan tâm kiện toàn; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ được nâng cao, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Đặc biệt, trong năm 2020, Sở Tư pháp TP Hải Phòng đã tích cực ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành và cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp: 90% thông tin chỉ đạo, điều hành được xử lý trên môi trường mạng và được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử, giảm 90% giấy tờ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Chú trọng ứng dụng CNTT
Bên cạnh những kết quả đạt được, so với tiềm năng và thế mạnh, công tác tư pháp Hải Phòng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, xây dựng văn bản, kiểm tra, xử lý và theo dõi thi hành pháp luật còn “mỏng”.
Do đại dịch Covid-19 nên trong năm 2020, công tác tuyên truyền, PBGDPL dưới hình thức tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị, lớp tập huấn chưa được triển khai trên diện rộng do quy định về giãn cách xã hội. Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL còn chưa được thường xuyên, liên tục. Hiện nay việc PBGDPL cho đối tượng đặc thù mới chỉ đến người lao động, người dân ở vùng sâu, vùng xa thuộc huyện đảo Cát Hải mà chưa tiếp cận, mở rộng đối tượng tới người khuyết tật, phạm nhân đang cải tạo tại trại giam, người đang cai nghiện tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội. Đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, còn hạn chế về khả năng cung ứng dịch vụ pháp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là khu vực nông thôn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện hết sức quan trọng của đất nước như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với nhiều thời cơ và vận hội mới cho đất nước, cho Bộ, ngành Tư pháp cũng như đối với TP Hải Phòng.
Để đáp ứng sự tin tưởng của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh kỳ vọng ngành Tư pháp Hải Phòng cần tiếp tục có giải pháp đột phá, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành hữu quan kịp thời đề xuất, tham mưu lãnh đạo TP các chiến lược, kế hoạch, đề án quan trọng, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, giúp hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành TP đạt hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng lưu ý ngành Tư pháp Hải Phòng cần tập trung nguồn lực thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: chú trọng việc tổ chức thực hiện hiệu quả các Luật có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp mới được Quốc hội thông qua trong năm 2020. Ngoài ra, ngành Tư pháp cần ứng dụng mạnh mẽ CNTT phục vụ hoạt động PBGDPL; quản lý, đăng ký và thống kê hộ tịch; bảo đảm Đề án “Số hóa Sổ hộ tịch lịch sử của thành phố Hải Phòng”; đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cấp phiếu lý lịch tư pháp trên môi trường điện tử…
Nhân dịp này, các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động tư pháp năm 2020 đã được tặng Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp Hải Phòng tặng Bằng khen, UBND TP Hải Phòng tặng Cờ thi đua.

Phương Thanh


baophapluat.vn