Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Tổng kết Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2020 và 10 năm thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2020 (Chương trình 585). Đồng chủ trì Hội nghị là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú.
Lan tỏa ý nghĩa các hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp
Theo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014 và 2015 – 2020, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, mặc dù gặp không ít khó khăn song Chương trình 585 đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc triển khai Chương trình 585 đã bám sát mục tiêu, nội dung đặt ra. Nhìn chung các mục tiêu của Chương trình 585 cơ bản đã đạt được.
Chương trình 585 về cơ bản đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tạo lập các điều kiện cần thiết để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
Chương trình 585 đã phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể, như: tổ chức các lớp bồi dưỡng; tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và người làm công tác pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các kênh truyền hình, đài tiếng nói…
Những kết quả triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình 585 đã để lại dấu ấn nhất định đối với cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, khẳng định được vai trò và tác động tích cực của Chương trình 585, góp phần nâng cao vị thế của Bộ, Ngành Tư pháp trong cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2020, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình 585 đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc. Một số hoạt động được triển khai đã nhận được phản hồi tích cực từ dư luận xã hội, báo chí và đặc biệt từ chính cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ Chương trình 585.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được lắng nghe các bài tham luận, trao đổi để tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong năm 2020 và kết quả 10 năm thực hiện Chương trình 585 của các đơn vị nhằm chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Chương trình 585, PGS.TS. Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho rằng:
“Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp là một chức năng của Nhà nước, bởi lẽ, chức năng là những phương hướng, hoạt động cơ bản của Nhà nước, thể hiện bản chất Nhà nước, vì vậy, chúng ta phải có những quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp để công tác này hoạt động ngày một hiệu quả hơn".
Bám sát các nhu cầu của doanh nghiệp
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt, là dịp để đánh giá, nhìn nhận lại những kết quả trong 10 năm qua, nhất là năm 2020; Hội nghị cũng đã thẳng thắn chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất được nhiều giải pháp có giá trị cho thời gian tới; thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu đối với công việc chung của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp. Thứ trưởng bày tỏ cơ bản nhất trí với Dự thảo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 585 và Báo cáo Kết quả thực hiện các hoạt động năm 2020 của Chương trình 585. Thứ trưởng nhận định: Chương trình đã tổ chức được số lượng lớn các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các hoạt động ngày càng phong phú đa dạng, có nhiều nội dung mới, cách làm sáng tạo; trong năm 2020, dưới sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19 càng thúc đẩy quyết tâm để đổi mới phương thức thực hiện các hoạt động. Nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tạo sự lan tỏa cao, được cải thiện và đã củng cố mối quan hệ pháp lý giữa doanh nghiệp và Nhà nước; từ đó, Nhà nước hiểu rõ hơn về nhu cầu doanh nghiệp và xây dựng được những chính sách phù hợp. Những kết quả trên có được chính là nhờ sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan đơn vị, cá nhân…
|
|
Theo Thứ trưởng, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục bám sát nhu cầu của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng của các hoạt động; đảm bảo được tính hữu ích cho doanh nghiệp; thu hút được các doanh nghiệp tham gia một cách tích cực, chủ động, tự nguyện.
"Khi đã xác định được nhu cầu của doanh nghiệp thì phải xây dựng nội dung, hoạt động, phương thức hỗ trợ sát với nhu cầu doanh nghiệp; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến liên quan công tác này", Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, cần cố gắng kết nối, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân và lan tỏa các kết quả, sản phẩm của Chương trình 585 để có nhiều người được thụ hưởng; thay đổi cách tiếp cận, mục tiêu, ý nghĩa của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; từng bước chuyển từ trang bị kiến thức pháp luật đơn thuần sang hướng dẫn kỹ năng áp dụng pháp luật, kỹ năng xử lý các vướng mắc và tập trung mạnh vào việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho một doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp có thể vận dụng được cách xử lý đó; tập trung vào sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều lần, có giá trị sử dụng lâu dài, nhiều người dễ dàng sử dụng và tiếp cận được...
Hội nghị cũng đã Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc khen thưởng cho 13 tập thể và 19 cá nhân có thành thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020.
N.D