Hôm nay (ngày 23/12), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2020 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác, từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện công tác năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Nhân dịp này, Phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu.
- Trong năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp đã phát huy tính chủ động, khắc phục khó khăn, thách thức để triển khai toàn diện, hiệu quả các mặt công tác như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Năm 2020, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nhiều, với yêu cầu ngày càng cao hơn về tiến độ và chất lượng. Trong điều kiện khó khăn về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí; tác động tiêu cực của dịch COVID-19, bão lũ, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành và mỗi địa phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao, nổi bật ở một số điểm sau:
Thứ nhất, công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật có nhiều điểm sáng. Bộ đã tham mưu thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh; quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; đảm bảo an sinh xã hội. Pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành tiếp tục được hoàn thiện với việc xây dựng, trình ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Ngành ngày càng được nâng cao, đảm bảo tiến độ; kịp thời đề xuất các giải pháp khắc phục những “lỗ hổng”, “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật. Công tác kiểm tra văn bản đã vào cuộc kịp thời hơn; kết luận kiểm tra chính xác; nhiều văn bản trái pháp luật đã được xử lý dứt điểm, góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đạt nhiều kết quả ấn tượng. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã tổ chức rà soát 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, với gần 8.800 văn bản; qua đó, các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản đã được Chính phủ Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 và nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu. Bộ đã tham mưu cho Ban cán sự đảng Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Ngay sau Hội nghị này, ngày 11/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.
Thứ hai, mặc dù trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng kết quả THADS đạt được rất đáng ghi nhận, kết quả thi hành án dân sự năm sau cao hơn năm trước, đạt hoặc vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Công tác theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Điểm nhấn trong năm 2020 là các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 15 nghìn tỷ đồng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, trong đó có trên 14 nghìn tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp được tăng cường, đã phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Kết luận số 69-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết về chính sách phát triển nghề công chứng; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Thứ tư, thể chế cho công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được hoàn thiện với việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch; Nghị định số 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Việc triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đạt nhiều kết quả ấn tượng, đáp ứng kịp thời yêu cầu và tạo sự thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ năm, công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, kịp thời nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp quốc tế về đầu tư, thương mại, Bộ Tư pháp đã bảo vệ thành công một số vụ kiện, góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích quốc gia.
Thứ sáu, tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp, pháp chế tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được chú trọng với đội ngũ cán bộ pháp luật, pháp chế, chức danh tư pháp được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn, kĩ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp ngày càng được nâng cao, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu phát triển của xã hội.
Thứ bảy, các mặt công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, con nuôi, đăng ký giao dịch bảo đảm, đào tạo, nghiên cứu khoa học đều đạt nhiều kết quả nổi bật. Việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp tiếp tục được thực hiện với những bước đi, lộ trình phù hợp, giảm tải cho các cơ quan nhà nước, phục vụ kịp thời, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Công tác cải thủ tục cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ ngày càng được đẩy mạnh. Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao.
Thứ tám, toàn ngành Tư pháp, từ Bộ cho tới các cơ quan tư pháp ở địa phương đều tích cực tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương nhiều ý kiến pháp lý có giá trị để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật, trong điều hành kinh tế - xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác tư pháp năm vừa qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, vậy xin Thứ trưởng cho biết nguyên nhân chủ yếu do dâu?
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp, pháp chế trong năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL còn thấp; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để; hiệu quả công tác PBGDPL, theo dõi thi hành pháp luật chưa cao. Vẫn còn một số thiếu sót trong công tác thi hành án dân sự, hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, chứng thực. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp ở địa phương vẫn chưa thống nhất; hoạt động của các trường trung cấp, cao đẳng luật tiếp tục gặp nhiều khó khăn…
Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Cụ thể, mặc dù đã có sự quan tâm hơn nhưng một số Bộ, ngành và UBND các cấp vẫn chưa chú trọng nhiều cho công tác tư pháp, pháp chế. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của một số công chức, viên chức trong Ngành vẫn còn thấp. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành ở Trung ương, giữa các cấp và giữa các ngành ở địa phương trong thực hiện công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn hạn chế; công tác chỉ đạo, điều hành có lúc, có việc còn thiếu chủ động, quyết liệt; công tác tham mưu của một số đơn vị thuộc Bộ, tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp còn chưa kịp thời, đầy đủ.
Về khách quan, bên cạnh khối lượng công việc thường xuyên đã rất lớn, trong năm 2020 phát sinh rất nhiều công việc đột xuất, với yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ; nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là chứng thực, lý lịch tư pháp cũng tăng cao. Cùng với đó, pháp luật trong một số lĩnh vực công tác tư pháp phát sinh những vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, hoàn thiện, gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Đội ngũ làm công tác tư pháp, pháp chế, nhất là cán bộ pháp chế chuyên trách ở địa phương giảm mạnh. Kinh phí hỗ trợ, điều kiện bảo đảm triển khai công việc trong một số lĩnh vực còn hạn chế, không đồng đều giữa các ngành, các địa phương, đặc biệt là trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; ứng dụng công nghệ thông tin.
- Thưa Thứ trưởng, năm 2021 hứa hẹn mang tới nhiều thời cơ và vận hội mới, vậy Bộ, ngành Tư pháp quan tâm triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Năm 2021, Bộ, ngành Tư pháp đã đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác pháp luật, tư pháp. Tham mưu xây dựng, ban hành các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp 2013, trong đó ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền con người, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chú trọng nâng cao chất lượng tham mưu và thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL, kịp thời phát hiện, xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan kịp thời xử lý kết quả rà soát VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước đã được thực hiện trong năm 2020.
Ba là, thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành. Phấn đấu hoàn thành và vượt các chỉ tiêu THADS được Quốc hội giao năm 2021. Bảo đảm 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính được theo dõi thi hành theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Bốn là, tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi pháp luật, bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác theo dõi thi hành pháp luật với công tác xây dựng, kiểm tra VBQPPL, phản ứng chính sách. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018-2022; Chỉ thị số 43/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật
Năm là, tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý các lĩnh vực và hoạt động của Ngành theo đúng lộ trình, định hướng. Nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng Luật tổ chức thi hành pháp luật, đề xuất xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi). Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, chuẩn hóa các quy trình xử lý công việc đảm bảo hoạt động của Bộ, Ngành thông suốt, hiệu quả.
Sáu là, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có phẩm chất đạo đức, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, trong đó cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ, phương pháp quản lý, tổ chức công việc khoa học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành.
-Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Kim Quy (Thực hiện)