Ngày khởi công Di tích lịch sử Bộ Tư pháp tại Thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường là người cuốc nhát cuốc đầu tiên. Ông cũng là người đến sớm, thành tâm đứng giữa đỉnh đồi mênh mông nắng gió để tri ân các thế hệ cán bộ Ngành Tư pháp và những tình cảm sâu nặng của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với Ngành.
“Tư pháp phải là một Bộ mạnh”
Có một thói quen “xấu”, đã tự dặn lòng phải sớm bỏ, nhưng hơn 3 năm rồi, Bộ trưởng Hà Hùng Cường vẫn chưa bỏ được, đó là rời cơ quan trở về nhà khi thành phố đã lên đèn. Ấy vậy mà trong câu chuyện cuối năm, những tâm sự của một người luôn cảm thấy mình chưa làm hết việc cứ khiến ông trăn trở.
Tự nhận mình là người bộc trực, quyết liệt, “nổi tiếng” ở cơ quan vì khắt khe, cầu toàn nên “nhiều lúc cũng thương anh em”, niềm vui của Bộ trưởng là thấy vị thế của Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp ngày càng được khẳng định, phần đông anh em cũng vì cái chung ấy mà dốc lòng chia sẻ.
Có điều, cái chung ấy cũng là câu hỏi đeo đẳng người đứng đầu Ngành Tư pháp suốt mấy năm qua vì sự nghiệp của Ngành: “Tại sao những nước có hoàn cảnh tương tự như chúng ta, thậm chí còn khó khăn hơn ta, mà họ tiến lên rất nhanh? Tại sao mình lại phát triển thiếu bền vững? Phải chăng một phần yếu tố quan trọng ở đây phụ thuộc vào tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của đất nước?”.
Càng đi vào phân tích, Bộ trưởng càng khẳng định: Hệ thống pháp luật của chúng ta đang quá phức tạp, cồng kềnh và lại thiếu đồng bộ, nhiều trường hợp thiếu khả thi và tính dự báo thấp. Sau một giai đoạn phát triển nhanh, nó đã trở thành lực cản cho việc đạt tới mục tiêu đầy tham vọng mà chúng ta mong muốn. “Trong cái giá mà đất nước đang phải trả cho sự phát triển, có một phần trách nhiệm rất lớn của Bộ Tư pháp với tư cách là một Bộ Pháp luật của Chính phủ”.
Đối với Bộ trưởng Hà Hùng Cường, vấn đề Bộ Tư pháp đang ở đâu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước luôn là điều khiến ông suy nghĩ: “Trong một lần đến dự Hội nghị Ngành Tư pháp, Bác Hồ đã từng nói: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của chính quyền”. Tôi cũng nhớ mãi là cách đây gần 10 năm, khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đảm nhận cương vị Tổng Bí thư, Bộ ta có đến chúc mừng, Tổng Bí thư có căn dặn: “Tư pháp phải là một Bộ mạnh”.
Người đứng đầu Ngành Tư pháp tâm sự: “Đấy là câu chuyện trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ Tư pháp từ khi thành lập lại đến giờ. Rất mừng là bây giờ thì có thể tự hào mà nói rằng: Ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương đã ngày càng đứng trong, chứ không còn đứng ngoài sự phát triển của đất nước”.
Thành tựu cổ vũ tinh thần sáng tạo
Chứng kiến những bước đi của Bộ Tư pháp trong thập niên qua, thật dễ để nhận ra rằng: dấu ấn của Ngành Tư pháp đã rõ nét trong nhiều thành tựu phát triển của đất nước.
Cụ thể như Nghị quyết các Đại hội Đảng lần thứ VI, VII, VIII và IX, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra các chủ trương rất cơ bản cho việc củng cố và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. “Rất mừng là vừa rồi Bộ Chính trị đã quyết định sẽ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong đó tôi chắc rằng sẽ tập trung nhiều vào câu chuyện tổ chức bộ máy để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về mặt phân công quyền lực, để làm sao các nhánh quyền lực Nhà nước có thể kiểm tra, giám sát lẫn nhau một cách hiệu quả hơn”- Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiết lộ.
Một loạt đạo luật mà Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì soạn thảo được Quốc hội thông qua thời gian qua đã tác động sâu rộng tới đời sống xã hội: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Thi hành án dân sự, Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Luật Tương trợ tư pháp…
Một kỷ lục là trong một thời gian rất ngắn, sau khi có Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư, Bộ Tư pháp đã cùng với các Bộ, ngành Trung ương, với các địa phương chỉ đạo tổ chức thành công đại hội của 62 đoàn luật sư của cả nước, tiến tới tổ chức thành công Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất, lập ra Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Cũng chỉ trong một thời gian ngắn, Bộ Tư pháp đã kiện toàn về cơ bản hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự từ Trung ương tới cấp huyện.
“Chúng ta có được những kết quả đó là nhờ đâu? Là nhờ sự sẻ chia của các Bộ, ngành, các địa phương trong cả nước. Kinh nghiệm đó cần được tiếp tục phát huy. Vậy thì, trong câu chuyện về xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, Đảng, Nhà nước đã trao cho Ngành Tư pháp gần hết các công cụ để có thể tham mưu một cách tích cực rồi. Vấn đề bây giờ là ở nội lực của Ngành” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường bộc bạch.
Nhiều việc còn đang ở phía trước
Nói đến câu chuyện “nội lực” của Bộ, của Ngành, Bộ trưởng Hà Hùng Cường để mặc điếu thuốc lá cháy dở trên tay, trầm ngâm theo dòng suy nghĩ: “Sự thừa nhận ngày càng phổ biến vai trò, vị trí của các cơ quan tư pháp trong sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là kết quả của cả một quá trình nỗ lực nhiều năm và là kết quả trực tiếp từ những quy định mới của Đảng, Nhà nước thể hiện qua các Nghị quyết của Đảng, các Luật, Nghị định mà Quốc hội, Chính phủ thông qua. Có thể nói nhờ đó mà vừa qua, tại Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhiều anh em lãnh đạo các Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp và cán bộ Tư pháp cơ sở đã được cơ cấu vào cấp ủy, có những người đã trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương. Có nhiều địa bàn từ trước đến nay chưa bao giờ người ta nghĩ tới Tư pháp, trong lịch sử thành lập lại chưa bao giờ Tư pháp tham gia vào cấp ủy thì hiện nay đã có. Nhiều đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh như Hòa Bình, Hà Giang, Lâm Đồng đã tâm sự với tôi như vậy”.
Điểm lại những nỗ lực của Tư pháp địa phương, rất nhiều điểm sáng được Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận: Trong khi Chính phủ chưa ban hành được Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ chưa thông qua Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của các Sở Tư pháp như thế nào để thực hiện Luật này, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu cho UBND thành phố thành lập được Phòng Quản lý Lý lịch Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ ngay từ khi Luật có hiệu lực thi hành. Trong khi nhiều tỉnh, thành phố đang lúng túng trong câu chuyện theo dõi thi hành pháp luật thì có những Sở Tư pháp như Đồng Tháp, Bắc Kạn đã được giao theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính từ mấy năm nay và kết quả thực hiện bước đầu đều rất tốt.
“Cái mà chúng ta đang còn thiếu, ở một số Sở Tư pháp, là sự trăn trở với những khó khăn đang nổi lên ở địa bàn, là sự dấn thân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự xã hội ở địa phương”- người đứng đầu Ngành Tư pháp nhận định.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho rằng, một trong những cái khó của Tư pháp hiện nay là hệ thống chân rết ở cơ sở còn đang yếu kém: “Một đội ngũ có đến 1 vạn rưỡi người mà hơn một phần ba chưa được đào tạo Luật thì làm sao có thể tham mưu được cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc theo đúng pháp luật. Nhiều việc cụ thể mà pháp luật đang giao cho cán bộ tư pháp, hộ tịch thực hiện, họ làm đúng hay sai cũng còn đang là câu hỏi đối với Ngành mà không phải Giám đốc Sở Tư pháp nào cũng trả lời được rõ ràng. Đấy là chưa kể đến sự mỏng manh của đội ngũ cán bộ Tư pháp cấp huyện, của pháp chế các Sở, ngành ở nhiều địa phương. Tất cả đều là những chuyện tưởng như là dễ nhưng lại vô cùng khó khi đi vào thực hiện”.
Năm nay, câu chuyện án tồn đọng chưa thi hành được không còn là gánh nặng của người đứng đầu Ngành Tư pháp. Có điều, con số ¼ triệu vụ việc vẫn còn tồn đọng với hình ảnh vẫn còn những người dân đứng trước cửa nhà ông khiếu nại vẫn làm ông day dứt. Ông quả quyết rằng, năm 2011 này, ông nhất định sẽ xắn tay vào cùng anh em tạo đột phá lớn hơn nữa.
Và tôi tin, ông sẽ làm được.
Hồng Thúy